Khởi nghiệp: Điều gì là quan trọng?
Là “người trong cuộc” khi khởi động nền tảng đầu tư và tích lũy tài chính tên Infina đầu năm 2021, ông James Vương – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Infina cho rằng giai đoạn đầu khi khởi nghiệp không cần quá nhiều vốn. “Tôi cho rằng yếu tố quan trọng hơn ở thời gian đầu chính là nhân tố con người giỏi”, ông nói.
James Vương, Sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành, Infina.
Đam mê và những nhân tố con người giỏi ở thời điểm khởi động sẽ giúp cả đội nhìn nhận, đánh giá và đưa ra được những sản phẩm, giải pháp, dịch vụ mà thị trường có đang cần hay không. Đó sẽ là lợi thế, tạo tiền đề cho những bước đi vững chắc về sau, góp phần vào thành công trong tương lai.
Đồng quan điểm, CEO Raghu Rai của Jio Health – startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số tại Việt Nam cho rằng: “Thách thức lớn nhất ở Việt Nam cho doanh nghiệp khởi nghiệp là tìm nguồn vốn. Nhưng để tìm được, ban đầu chúng ta cần có đội ngũ phù hợp với định hướng, quan trọng hơn là sản phẩm. Sau khi vượt qua giai đoạn non trẻ ban đầu thì hãy tập trung vào tìm nguồn vốn để phát triển, mở rộng quy mô. Việc cân đối giữa vốn và công nghệ hay nguồn lực phụ thuộc vào giai đoạn của startup”.
Raghu Rai đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, lại nằm ở “điểm nóng” khởi nghiệp Đông Nam Á. Bên cạnh đó, làm startup ở thời điểm này đã không còn như 10 năm trước, doanh nghiệp ít phải đối mặt với các rào cản khi tiếp cận nguồn vốn. Thay vì quá lo lắng cho vấn đề này, CEO Jio Health tin rằng doanh nghiệp cần dành nhiều thời gian để làm việc với khách hàng, khẳng định giá trị của mình, lắng nghe thị trường.
Raghu Rai, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Jio Health.
Giải tỏa áp lực công nghệ với AWS Activate
Nhưng điều đó không có nghĩa startup gác chuyện nguồn vốn sang một bên và dành quá ít sự quan tâm. Để giảm bớt áp lực vốn, các doanh nghiệp như Infina hay Jio Health lựa chọn giải pháp sử dụng bên thứ ba chuyên cung cấp dịch vụ đám mây, giúp họ có thể quên đi gánh nặng phí cho hạ tầng công nghệ thông tin, các chi phí kiểm thử. Hiện tại, cả 2 công ty đều thuộc chương trình hỗ trợ khởi nghiệp AWS Activate của Amazon Web Services (AWS) – doanh nghiệp cung ứng các giải pháp số hóa, điện toán đám mây và dịch vụ công nghệ thông tin trực thuộc Tập đoàn Amazon (Mỹ). Không chỉ được giải phóng về vấn đề hạ tầng, nhân sự liên quan đến công nghệ thông tin, những dịch vụ mà AWS cung cấp còn giúp những đơn vị còn trẻ như Jio Health, Infina và rất nhiều doanh nghiệp khác cắt giảm chi phí vận hành, loại trừ rủi ro để tiết kiệm chi phí trước khi tung sản phẩm ra thị trường.
“Một trong những điểm lợi khi sử dụng AWS là ngoài được tối ưu công nghệ thông tin, việc sử dụng dịch vụ từ nhà cung cấp lớn, có danh tiếng giúp startup ‘trông hấp dẫn, đáng tin’ hơn trong mắt các nhà đầu tư”, CEO Rahgu Rai nhấn mạnh. Theo ông, các nhà đầu tư thường có xu hướng nghi ngờ khả năng quản trị của các doanh nghiệp non trẻ trong vấn đề cơ sở hạ tầng. “Khi startup hợp tác với AWS, các nhà đầu tư sẽ nhận thấy sự yên tâm bởi đã có một tập đoàn uy tín hỗ trợ để công ty khởi nghiệp có thể tập trung vào việc phát triển, giải pháp dịch vụ của họ”, ông giải thích.
Trên hành trình chinh phục khách hàng, CEO James Vương chia sẻ có rất nhiều ý tưởng ban đầu phải thay đổi để thích ứng với thực tế và điều này lặp đi lặp lại nhiều lần trước khi tìm ra được thứ thực sự thích hợp với thị trường để nhân rộng. “Startup cần làm quen với việc điều chỉnh các ý tưởng để trở nên phù hợp hơn. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều thử nghiệm, điều chỉnh, lúc nào cũng phải trong tâm thế tìm tòi, thử nghiệm, thất bại rồi lại thử cách khác. Tỉ lệ tăng trưởng phụ thuộc vào tốc độ bạn học hỏi, điều lại phụ thuộc vào tốc độ thí điểm”.
Với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, quá trình thử nghiệm – thất bại – thử lại đều cần thiết và sẽ gây tổn thất không nhỏ về tài chính nếu họ không có các phương án đối phó cần thiết. Thông qua chương trình AWS Activate, AWS đang cung cấp các hỗ trợ AWS credit trị giá cao cho các startup để trải nghiệm dịch vụ, cùng các tài nguyên công nghệ để chúng tôi thực hiện các thử nghiệm. “Nói cách khác, việc này giống như AWS đang bỏ tiền ra cho chúng ta khởi nghiệp vậy”, đại diện của Jio Health ví von.
Priya Lakshmi, Trưởng phòng mảng kinh doanh Khởi nghiệp của AWS khu vực ASEAN.
Giải thích rõ hơn về vấn đề trên, Trưởng phòng mảng kinh doanh Khởi nghiệp của AWS khu vực ASEAN – bà Priya Lakshmi đánh giá chi phí là một trong những cản trở lớn nhất đối với các startup. Vì vậy, AWS luôn cam kết hỗ trợ môi trường khởi nghiệp để khi bắt đầu, họ không cần phải tính toán bao nhiêu tài nguyên cần thiết mà chỉ cần kết nối vào dịch vụ đám mây của hãng. Từ đó, startup chỉ phải chi trả cho mức độ sử dụng của mình, không lo lắng về việc thiếu hay dư thừa tài nguyên gây lãng phí. “Hạ tầng của chúng tôi cho phép khách hàng mở rộng, nâng cao độ linh hoạt chỉ bằng vài cú click chuột. AWS đồng hành ngay từ ban đầu để startup có được hiệu quả hoạt động ngay từ sớm trên con đường khởi nghiệp”.
Ngoài ra, AWS cũng giúp giải quyết bài toán về bảo mật thông tin, một yêu cầu luôn đòi hỏi sự đầu tư cả nguồn lực lẫn nguồn vốn đối với mọi doanh nghiệp. “Bảo mật là ưu tiên hàng đầu để xây dựng lòng tin của khách hàng, là xuất phát điểm của quá trình phát triển. Hiểu được điều này, chúng tôi hợp tác với khách hàng để đảm bảo mọi thông tin luôn được bảo mật một cách cao nhất”, bà Priya khẳng định.
“Bảo mật là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của chúng tôi. Vì vậy, có một giải pháp tích hợp, mã hóa thông qua đám mây riêng ảo hiện nay của chúng tôi, là thực sự quan trọng đối với kiến trúc bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi,” ông Raghu Rai khẳng định.
Nguồn: https://cafef.vn/aws-hoa-giai-bai-toan-cong-nghe-cho-startup-giai-doan-dau-2021111917442849.chn