Vậy, doanh nghiệp cần gì trong cuộc đua “nghẹt thở” ấy? Một chiến lược tiếp thị đầy khôn ngoan và lợi thế, một ngân sách lớn đủ sức chi đậm cho các chiến dịch phô trương hay một đội ngũ giàu kinh nghiệm và sáng tạo?
Cùng trò chuyện với chị Hiền Đoàn – CEO & Co-Founder của ORE Creative Agency và Founder DigiWonder – Giải pháp Marketing 63 tỉnh để cung cấp giải pháp marketing tổng thể và có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này!
Sự bành trướng của công nghệ “Từ một chạm đến muôn chạm”
Nhiều chuyên gia nhận định rằng “Sẽ chẳng có một cuộc cách mạng nào xảy ra nếu như không có nền tảng internet và công nghệ phát triển một cách nhanh chóng”. Sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội đã phá vỡ thế trận marketing truyền thống và định hình những xu hướng marketing mới trong vài năm trở lại đây.
Là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng chiến lược marketing tổng thể, thành công triển khai những chiến dịch tiếp thị mang lại hiệu quả vượt trội cho các doanh nghiệp lớn, Chị Hiền Đoàn nhận định đã đến lúc các thương hiệu phải thay đổi tư duy làm marketing.
Theo chị, hiện nay xu hướng marketing đã thay đổi như thế nào so với trước kia?
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là trong vài năm trở lại đây cục diện marketing và truyền thông đã thay đổi hoàn toàn theo sự tăng trưởng “phi mã” của các nền tảng công nghệ. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, có thể thấy rằng sự tiện lợi của internet đã kéo theo sự thay đổi trong hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Theo báo cáo Digital Việt Nam 2024, nước ta có khoảng 78,44 triệu người dùng internet, tỉ lệ tiếp cận internet 79,1% dân số. Ngoài ra, số liệu nghiên cứu về hành vi người dùng cho biết, 73% người tiêu dùng thích xem video dạng ngắn để tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ và 80% Gen Z, 52% dân số nói chung chủ yếu sử dụng tìm kiếm trên thiết bị di động (HubSpot, 2024).
Những con số biết nói ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho việc xã hội đang ngày càng thay đổi chóng mặt và các thương hiệu phải mau chóng chuyển mình để nắm bắt cơ hội chinh phục khách hàng. Ngay cả những doanh nghiệp “lão làng” cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Bởi vì một quy luật đơn giản “thay đổi hay là chết”.
Nếu như trước đây, marketing truyền thống tiếp thị thông qua các kênh truyền thông “độc tôn”, đắt tiền như tivi, báo chí chính thống, OOH thì hiện tại, có vô vàn những phương thức tiếp cận khách hàng khác nhau như: facebook, tiktok, youtube, instagram,… đủ sức “giữ chân” khách hàng. Các hình thức tiếp thị mới xuất hiện: short video, livestream, booking KOLs, KOC,.. nhận được sự đón nhận đông đảo từ genZ – thế hệ quyết định thế trận tiếp theo của cuộc đua marketing trong tương lai.
Từ vị thế dẫn lối người dùng, nay các doanh nghiệp phải tăng cường khả năng thích nghi trên mọi mặt trận, bám sát người tiêu dùng và hiểu họ là ai, họ muốn gì và cố gắng thể hiện những điểm độc nhất để “lấy lòng thượng đế”.
Đặc biệt, sức ép từ thị trường sau 2 năm đại dịch Covid -19 hoành hành đã khiến nhiều doanh nghiệp phải vất vả gồng gánh vượt qua giai đoạn kinh tế khủng hoảng. Cộng thêm áp lực từ phía các đối thủ cạnh tranh, chắc chắn các thương hiệu phải tăng cường khả năng thích nghi, “tùy cơ ứng biến” trên mọi mặt trận.
Chuyển mình để đón đầu cuộc đua tiếp thị
Trước bối cảnh thị trường marketing đầy biến động như vậy, có giải pháp nào để giúp các doanh nghiệp “đi tắt đón đầu” và giành được lợi thế cạnh tranh không, thưa chị?
Như đã đề cập ở trên, công nghệ là yếu tố chủ đạo dẫn tới sự thay đổi trong xu hướng marketing. Việc tận dụng, nắm bắt những thành tựu công nghệ này có hiệu quả to lớn trong việc thu hút khách hàng. Và việc triển khai marketing tích hợp (IMC) là giải pháp tối ưu.
Nhìn một cách tổng quan, IMC là chiến lược tiếp cận mang tính định hướng, với vai trò tạo sự nhất quán trên các kênh truyền thông của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện chiến dịch truyền thông “đánh trúng” vào các nhóm đối tượng người tiêu dùng, nhu cầu, mong muốn nhằm nâng cao trải nghiệm cá nhân khách hàng.
Bên cạnh đó, sự hình thành nhiều nhóm khách hàng trong thời đại mới với nhiều hành vi tiêu dùng khác nhau cũng khiến hành trình mua hàng trở nên phức tạp hơn so với truyền thống. Lúc này, doanh nghiệp buộc phải xây dựng một chiến lược marketing tổng thể, gia tăng điểm chạm với khách hàng để từ đó nâng tầm vị thế thương hiệu và tạo ra hiệu quả vượt trội trong kinh doanh.
Được biết, chị là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng chiến lược marketing tổng thể, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong tư vấn, triển khai các chiến dịch truyền thông tích hợp, chị có thể chia sẻ kĩ hơn về hành trình giải quyết “nỗi đau khách hàng” và định hướng trong thời gian tới hay không?
Trong suốt 10 năm hoạt động trong lĩnh vực Marcom, tôi nhận thấy rằng hầu hết các cá nhân hay tổ chức khi bước chân vào làm kinh doanh đều chạy theo những công việc, chi tiết ngắn gọn, triển khai marketing rời rạc, thiếu nhất quán và tầm nhìn dài hạn để có thể tạo ra những giá trị bền vững.
Bởi vậy, tôi luôn đau đáu và trăn trở phải làm sao giúp các doanh nghiệp giải quyết được vấn đề tồn đọng đó, làm sao để có thể có được những nguyên liệu truyền thông sắc bén, hỗ trợ tác động trực tiếp đến nhu cầu, thái độ và hành vi tiêu dùng.
Năm 2024 cũng là thời điểm đánh dấu sự kiện quan trọng, khi tôi chính thức đầu tư trở thành cổ đông và CEO của ORE – Creative agency đang trong hành trình chuyển mình và bứt phá mạnh mẽ. Với sứ mệnh nằm trong hệ sinh thái đổi mới và đa dạng, ORE đã và đang nỗ lực đem đến cho khách hàng những chiến lược marketing bài bản và toàn diện, với đầy đủ các giải pháp marketing tổng thể từ chiến lược đến thực thi.
Sở hữu thế mạnh là agency duy nhất inhouse toàn bộ nhân sự, với 3 thương hiệu trực thuộc: Art City, Studio Việt Nam, Việt Producer chúng tôi hướng tới tầm nhìn trở thành một trong những công ty quảng cáo truyền thông tổng thể hàng đầu tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, photoshoot, video chuyên nghiệp cho khách hàng.
Đầu tư vào Creative Agency có thể mang lại giá trị toàn diện cho khách hàng thông qua những chiến dịch bài bản, tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với việc chị phải đối mặt với những thách thức nhất định về quỹ lương nhân sự, tốn kém chi phí. Vậy theo chị, trong thời gian tới những khó khăn này sẽ được khắc phục như thế nào?
Đồng ý là với quy mô agency từ 50 – 100 nhân sự, chi phí vận hành quả là một con số khổng lồ. Do đó, để tồn tại và phát triển bền vững, không có biện pháp nào khác ngoài việc mang lại lợi ích thực sự cho khách hàng và gia tăng tỷ lệ tái ký của những doanh nghiệp tiềm năng.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn, thì không có gì lãng phí nếu như đầu tư vào con người – đúng như giá trị cốt lõi của ORE Agency, nỗ lực mang lại những giá trị vô giá trong tương lai và hướng tới xây dựng sự phát triển bền vững, lâu dài. Bởi vậy, việc đầu tư đó là hoàn toàn xứng đáng!
Cảm ơn những chia sẻ rất bổ ích của chị Hiền Đoàn về những thay đổi trong tư duy làm marketing trong thời đại số hiện nay. Nhìn về tương lai, có thể thấy rằng kinh thế thị trường đang gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng khi trò chuyện cùng một chuyên gia có tầm nhìn chiến lược dài hạn như chị, chúng tôi có được niềm tin rằng không một doanh nghiệp nào không cần làm marketing. Và những agency mang lại giá trị thực sự cho khách hàng đã đang và sẽ nhận được sự đón nhận đông đảo, dài hạn.
Trước thềm 8/3, được trò chuyện cùng một nữ CEO tài năng của ORE Agency, thấu hiểu mong muốn và khát vọng của chị, xin chúc chị Hiền Đoàn và đội ngũ ORE sẽ có được nhiều chiến dịch thành công và tạo được nhiều tiếng vang trong tương lai.
Xin chân thành cảm ơn chị !