Là một trong các mã gây nhiều chú ý trong năm 2021, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ. Đây có thể xem là thành quả của Công ty sau nhiều năm cầm cự và nỗ lực vượt khỏi “khối u” nợ nần. Quyết định buông công ty nông nghiệp HAGL Agrico vào đầu năm 2021, bầu Đức trong lần tâm sự mới nhất không phủ nhận sự luyến tiếc. Nhưng, mọi việc xảy đến đều có ý nghĩa riêng của nó, HAGL đến hiện tại đã gọn ghẽ hơn rất nhiều, và có thể đi xa hơn với nhiều kế hoạch, câu chuyện hơn trong thời gian tới.
Dù vậy, sang đầu năm 2022, HAGL đứng trước áp lực bán mạnh. Cổ đông “đang vui bỗng đứt dây đàn” trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc theo Nghị định 155 do Chính phủ ban hành, cụ thể HAGL thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tục.
Cần nhấn mạnh, do phải điều chỉnh hồi tố số liệu BCTC đã khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm. Riêng năm 2021, Công ty đã có lãi trở lại, dự kiến tăng trưởng bằng lần sang năm 2022.
HAG điều chỉnh trước áp lực án huỷ niêm yết.
Lỗ liên tiếp 3 năm nhưng là giai đoạn trước đó 2017-2019, đã có lãi trong năm 2021 và sự đồng tình từ cổ đông
Nói về lý do hồi tố, đại diện HAGL cho rằng thực tế Công ty chỉ lỗ 3 năm trước đó là 2017-2019, từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên một ngày sau đó (ngày 26/11/2021), cổ đông HAGL cũng đang thống nhất sẽ bàn bạc kỹ vấn đề này và có ghi vào biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì việc niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE.
Có được sự đồng thuận của cổ đông, mới đây phía HAGL đã chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết HAG trên HoSE. Doanh nghiệp cũng xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE.
Khi mà, về tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc HAGL cho biết đã thanh toán phần lớn khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý phần lớn khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản… Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn).
Thậm chí năm 2022, HAGL tham vọng lãi hơn 1.000 tỷ – tức chính thức quay lại thời kỳ hoàng kim 10 năm trước. Công ty cũng đề mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới.
Có nên đặc cách?
Liên quan đến sự vụ, thị trường đang dậy sóng hai ý kiến trái chiều. Một mặt, nhiều quan điểm bày tỏ sự đồng cảm với HAGL. Bởi, chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế: HAGL đang có nhiều điểm sáng, và tình hình kinh doanh năm 2021 đã có lãi trở lại. Công ty cũng có lộ trình kinh doanh bày bản cho giai đoạn tiếp theo, trọng tâm là phát triển chăn nuôi heo và tiếp tục trồng cây ăn trái.
Theo như quy định tại khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155 về việc huỷ niêm yết bắt buột, ghi nhận có đến 14 điều khoản vi phạm và lỗ liên tiếp 3 năm là 1 trong số 14 điều khoản trên: “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”. Tính đến cuối năm 2021, nỗ lực có lãi trở lại trong năm 2021 giúp vốn chủ HAGL vẫn cao hơn số lỗ luỹ kế với 4.667 tỷ đồng. Mục tiêu đề ra tại Đại hội vừa qua, HAGL sẽ xoá sạch lỗ luỹ kế vào năm 2023.
“Cần nhấn mạnh, những quy định này mục đích chính nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Trong khi đó, giai đoạn 2017-2019 các cổ đông cũ cũng đã không còn gắn bó với HAGL. Hiện, các cổ đông nắm giữ HAGL là những cổ đông mới, họ tin tưởng vào kế hoạch kinh doanh của HAGL ở hiện tại và triển vọng tương lai chứ không căn cứ vào thông tin tài chính trong quá khứ”, một chuyên gia cho hay.
Trích dẫn Nghị định 155 về việc huỷ niêm yết bắt buột.
Mặt khác, vẫn có quan điểm cần phải cẩn trọng trong việc đặc cách cho doanh nghiệp không bị hủy niêm yết. Bởi, điều này có thể tạo tiền lệ xấu, khiến tính chuẩn mực, ổn định và tuân thủ luật lệ của thị trường chứng khoán Việt Nam không được đảm bảo.
“Dẫu biết rằng anh Đức đã nỗ lực, cố gắng nhiều nhưng điều này không có nghĩa là phải áp dụng các hình thức khác biệt với người khác, được ưu ái hơn hay là phải được xử lý tốt hơn”, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nói. Theo ông, việc này chỉ mang tính tạm thời chứ không phải bị cấm vĩnh viễn. Với HAGL của bầu Đức, có thể chuyển sang UpCOM, đến khi thỏa các điều kiện niêm yết trở lại thì vẫn có thể quay lại sàn HoSE. Dù vậy, chuyên gia cũng bày tỏ việc không còn niêm yết trên HoSE đúng là sẽ khiến HAGL khó khăn trong việc huy động vốn thời gian tới.
Như một trường hợp tương tự mới đây, bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (HVN) đã âm vốn chủ và thua lỗ lớn. Do chỉ có 50% nhân sự khối văn phòng làm việc nên Tổng Công ty cũng vừa xin gia hạn đến tháng 2/2022 mới công bố BCTC quý 4/2021. Dự báo, nếu tiếp tục thua lỗ trong năm 2022 Vietnam Airlines sẽ rơi vào cảnh bị hủy niêm yết bắt buộc như Hoàng Anh Gia Lai đang gặp phải do lỗ 3 năm liền.
Chủ động kiến nghị, hồi quý 3/2021 Vietnam Airlines đã có kiến nghị xem xét doanh nghiệp là trường hợp đặc biệt, được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.
Cùng là những thương hiệu lớn của quốc gia, nhiều ý kiến bày tỏ việc có thể xem xét đặc cách, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chưa từng có như hiện nay. Phía HAGL cũng nhấn mạnh: “Cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường”.
Nguồn: https://cafef.vn/hoang-anh-gia-lai-hagl-doi-mat-voi-an-huy-niem-yet-doanh-nghiep-xin-thu-thach-de-bao-ve-loi-ich-co-dong-moi-co-nen-dac-cach-20220210142937626.chn