Đại dịch COVID-19 kể từ thời điển bùng phát đã khiến chi phí vận tải biển gia tăng chóng mặt.
Trong giai đoạn từ tháng 2/2020 cho đến tháng 10/2021, Baltic Dry Index (BDI), được dùng để theo dõi giá vận chuyển các nguyên liệu thô bằng đường biển tăng 12,6 lần. Tháng 10 năm ngoái, BDI đạt đến mức cao nhất 13 năm.
The Harprex, chỉ số đo lường giá thuê tàu container hiện đang ở mức cao kỷ lục, gấp gần 10 lần kể từ mức đáy trong vòng 2 năm qua.
Tờ The Wall Street Journal mới đây nhận định rằng chi phí vận tải biển và logistics có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Nhu cầu vận chuyển ở mức cao vượt xa khả năng của các công ty trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, điều này khiến các chuyên gia trong ngành tin rằng giá cước cho các hợp đồng mới sẽ tăng lên.
Chỉ số Harper giá thuê tàu container
Chỉ số BDI giá tàu rời
Giá cước tàu biển tăng cao và tình trạng khan hiếm tàu suốt năm vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp quy mô lớn tính đến việc mua tàu biển và tự vận hành. Không nói đâu xa, năm vừa qua, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) của Việt Nam đã mua 3 tàu cỡ lớn, trong đó hai chiếc trọng tải 90.000 tấn và một chiếc trọng tải 80.000 tấn. Theo tính toán, đội tàu có thể vận chuyển khối lượng hàng hoá trên 2 triệu tấn mỗi năm.
Công ty CP Vận tải biển Hòa Phát hiện chịu trách nhiệm thuê tàu cho tất cả các đơn hàng mua FOB và bán CFR của tập đoàn, đồng thời tiếp nhận các đơn hàng thương mại ngoài thị trường. Đơn vị này sẽ trực tiếp quản lý vận hành 3 tàu vận tải cỡ lớn của Hoà Phát.
Hoà Phát hiện nằm trong số doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam, xếp thứ tư thị trường với vốn hoá đạt 206.000 tỷ đồng. Trong 11 tháng đầu năm 2021, Hoà Phát đạt tổng sản lượng bán hàng thép các loại hơn 8 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ.
Đại diện Hoà Phát cho biết, việc tập đoàn mua tàu trọng tải lớn nằm trong chiến lược phát triển đội tàu nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển nội bộ và nhu cầu vận chuyển hàng rời trên thị trường rất lớn. Đặc biệt khi giai đoạn 2 của dự án Dung Quất hoàn thành, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất của Hoà Phát sẽ tăng cao hơn nữa so với hiện nay. Mặt khác, việc sở hữu tàu sẽ giúp Hoà Phát có lượng tàu ổn định, giảm rủi ro khi giá cước thuê tàu thế giới tăng cao.
Trên thực tế, Hoà Phát cho biết đã tận dụng thời cơ giá tàu xuống thấp do ảnh hưởng của đại dịch để tiến hành mua sắm. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của tập đoàn này là hết sức dồi dào. Các tàu rời được mua về có khả năng vận chuyển nhiều loại nguyên vật liệu như sắt thép, xi măng, clinker, nông sản, phân bón…
Theo kế hoạch, 3 tàu được mua trong năm 2021 cả Hoà Phát chủ yếu phục vụ vận chuyển than, quặng sắt từ Úc, đáp ứng các khu liên hợp sản xuất thép của tập đoàn. Tuỳ từng thời điểm, Hoà Phát sẽ điều chỉnh kế hoạch khai thác một cách linh hoạt.
Tàu Harmony của Hoà Phát tải trọng 90.000 tấn
Ba quý đầu năm ngoái, Hoà Phát đạt kết quả kinh doanh kỷ lục với doanh thu 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng. Cổ phiếu Hoà Phát tăng hơn 50% cả năm 2021, nhưng sụt giảm mạnh trong quý 4.
Nguồn: https://cafef.vn/nhieu-tien-de-lam-gi-gia-cuoc-van-tai-bien-tang-cao-hoa-phat-mua-3-tau-roi-co-lon-tu-van-hanh-20220106154837684.chn