Với việc thành công triển khai mô hình Dịch vụ Tài chính – kế toán trên nền tảng IFRS (chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế) vào ngày 1.7.2021 cho toàn bộ 22 đơn vị của SBT tại 4 quốc gia, ứng dụng vào hệ thống Oracle Fusion Cloud, CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (mã chứng khoán SBT) là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay trong ngành nông nghiệp Việt Nam đủ “điều kiện”, sử dụng cùng một “ngôn ngữ quản trị” với đối tác thế giới.
Ngành nông nghiệp là ngành truyền thống, coi trọng kinh nghiệm cũ, ngại thay đổi, nhiều nam hơn nữ, làm cách nào để chị triển khai thành công Dự án này?
Định kiến xã hội cho rằng ngành nông nghiệp thích hợp với đàn ông hơn, nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ là định kiến chứ không phải là thực tế. Đúng là môi trường xung quanh tôi có đến 80-90% là nam nhưng tôi không cảm thấy sự khác biệt về khả năng cũng như trí tuệ giữa nam và nữ. Tương tự, kinh nghiệm cũ không có nghĩa là lạc hậu, mà đó chính là nền tảng cho các nghiên cứu và cải tiến mới. Quan trọng nhất là việc “giao thoa thế hệ” có được tạo điều kiện tốt nhất hay không, mỗi thành viên SBT có nhận thức rõ về vai trò trách nhiệm, cũng như lợi ích của việc chuyển đổi hay không. Đây chính là ưu tiên của tôi khi triển khai dự án.
Tư duy này cùng chương trình đào tạo, quản trị chuyển đổi bài bản, giúp chúng tôi giảm thiểu sự “kháng cự” đối với việc tái cấu trúc. Các quản lí cấp trung hiểu rõ hệ thống mới sẽ tạo điều kiện cho họ đưa ra các quyết định chuẩn xác, tiết kiệm thời gian nhất, từ đó có thêm điều kiện tập trung nghiên cứu, nâng cấp bản thân. Ở cấp độ nhân viên, công việc được hệ thống và quản trị tập trung giúp việc vận hành và giao tiếp giữa các phòng ban được trơn tru, hiệu quả.
Sự giao thoa nhịp nhàng giữa nguồn lực nhân sự nhiều năm kinh nghiệm với thế hệ kế thừa trẻ đầy nhiệt huyết được đào tạo bài bản là thành quả rõ rệt nhất của việc chuyển đổi này. Chúng tôi tự hào tiên phong trong việc chuyển đổi toàn diện từ các hoạt động vận hành thủ công sang bán tự động và tự động, góp phần gia tăng năng suất, giảm các công đoạn trung gian cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của tổ chức và của mỗi thành viên SBT.
Bên cạnh đó, sự kiên định với mục tiêu do Hội đồng quản trị đề ra giúp tôi vượt qua những giai đoạn “cam go” nhất trong Dự án. Ngay khi được giao nhiệm vụ Hệ thống hóa toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp SBT trên cùng một nền tảng công nghệ cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chúng tôi hiện diện, tôi và đội ngũ hiểu rõ: phải kiên quyết bám sát với lộ trình và mục tiêu đề ra, chấp nhận sự sàng lọc trong quá trình này.
Chị vui lòng chia sẻ thêm về quan điểm làm việc của chị khi triển khai hệ thống và tái cấu trúc?
Tôi quan điểm “Mọi việc mình làm phải có tính kế thừa”, và truyền tải tinh thần này đến với tập thể anh chị em trong suốt quá trình làm việc cũng như khi xây dựng hệ thống.
Đầu tiên là sự kế thừa từ chính những kinh nghiệm “cũ”. Cá nhân tôi chỉ mới bước vào ngành nông nghiệp được 5 năm, tôi không thể tái cấu trúc nếu không có sự hướng dẫn từ các chuyên gia đầu ngành mía đường và nông nghiệp của SBT, đây là một sự cộng hưởng từ những người đi trước. Những kinh nghiệm bị cho là “cũ kỹ” đều đã từng thành công trong quá khứ, vậy công việc của mình là chắt lọc và sắp xếp lại những “tinh túy” trong tổ chức của mình, để mỗi kinh nghiệm và năng lực đều được tối ưu.
Sự kế thừa thứ hai đến từ trong chính cách tổ chức, sắp sếp công việc của mỗi người. Mỗi nhân sự phải có sự suy nghĩ thấu đáo, làm sao tiết kiệm thời gian nhất cho tổ chức, bằng cách hệ thống tốt từ chính công việc của mình. Người thừa hưởng công việc của mình sau này có thể nhanh chóng tiếp nối và phát huy trên nền tảng đó. Như vậy, tổ chức có thể phát triển bền vững nhất.
Một hệ thống quản trị tốt cho phép sự kế thừa này. Từ đồng bộ hóa giải pháp đảm bảo hoạt động trên nền tảng hệ thống kết nối, cho đến tích hợp toàn diện kinh nghiệm và kiến thức của mọi người tham gia trong chuỗi giá trị cây mía. Vì vậy, tôi tham gia sâu vào quá trình xây dựng các phân hệ quản trị và phân tích thông minh, đào tạo và sắp xếp nguồn lực đảm bảo thực thi, cũng như hoàn chỉnh xây dựng quản trị sự thay đổi và quản trị rủi ro vận hành.
Tôi tin rằng đằng sau một người lãnh đạo thành công là một đội ngũ thành công hỗ trợ họ, và bản thân tôi cũng là một phần trong đội ngũ này. Tiền đề của Dự án chuyển đổi số đến từ quyết tâm cao độ trong chuyển đổi số và ủng hộ của Hội đồng quản trị trong suốt quá trình chuyển đổi này.
Xin cảm ơn chị.
Chị Uyên Duyên tốt nghiệp Thạc sỹ Kinh doanh Quốc tế và Quản lý công nghệ – Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan và Cử nhân Kinh tế và Kế toán – Đại học Greenwich, Anh. Sau khi tốt nghiệp tại Anh, chị nhận được nhiều hơn cơ hội phát triển, nhưng khao khát mang kiến thức và kinh nghiệm trở lại quê hương, phát triển bản thân.
Nguồn: https://cafef.vn/pho-tgd-thuong-truc-sbt-giai-bai-toan-giao-thoa-trong-chuyen-doi-so-20220308134301706.chn