Thông qua các ý kiến thảo luận có tính chuyên môn cao từ lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cùng các chuyên gia hàng không, kinh tế, du lịch và đại diện các doanh nghiệp hàng không, lữ hành lớn trên toàn quốc…, cuộc toạ đàm sẽ tập trung phân tích kỹ lưỡng về những vấn đề, kiến nghị, giải pháp thực tế để kích thích hơn nữa đà hồi phục của hoạt động bay thường lệ quốc tế.
Đồng thời, đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức dỡ bỏ hạn chế, mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế từ ngày 15/2.
Bên cạnh đó, từ ngày 15/3 hoạt động du lịch cũng sẽ được mở cửa toàn diện trong điều kiện bình thường mới. Việc ngành hàng không “đi trước một bước” với việc dỡ bỏ hạn chế bay quốc tế từ 15/2 được đánh giá sẽ giúp ngành du lịch không bị chậm chân trong cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng nếu chuẩn bị kĩ lưỡng, Việt Nam có thể chiếm lĩnh thêm nhiều thị trường mới, khách hàng mới.
Ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam cho phép khôi phục mạng bay quốc như trước dịch, các hãng hàng không nội địa đã có kế hoạch khôi phục, tăng tần suất khai thác và khai trương các đường bay quốc tế mới từ tháng 2/2022, cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng, kĩ lưỡng của các doanh nghiệp để nhanh chóng khôi phục toàn mạng bay quốc tế đi/đến Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, tại toạ đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới”, các đại diện cơ quan quản lý và doanh nghiệp sẽ đi sâu phân tích về nhu cầu thị trường, tình hình thu hút khách, du lịch quốc tế sau 3 tháng Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế, đánh giá những thành tựu mà toàn ngành hàng không và du lịch đã đạt được, cần kế thừa phát huy cũng các vấn đề còn nổi cộm và cần giải pháp triệt để.
Đồng thời, các khách mời sẽ tập trung trao đổi về bài học kinh nghiệm mở cửa hàng không, đón khách quốc tế nhìn từ kết quả các quốc gia trong khu vực, cũng như những lợi ích của một lộ trình mở cửa bay quốc tế sớm, hiệu quả và rõ ràng đối với toàn bộ nền kinh tế. Qua đó, đưa ra bài học cho hàng không Việt Nam để tận dụng triệt để các cơ hội phát triển trong thời kì mới với các nhu cầu và xu hướng mới của hành khách.
Cũng trong khuôn khổ toạ đàm, thông qua việc phân tích sự chuẩn bị nguồn lực cụ thể của các cơ quan liên quan, địa phương và doanh nghiệp, các đại biểu, đại diện doanh nghiệp sẽ đưa ra ý kiến đóng góp, đề xuất cụ thể về các quy trình, phương án bay quốc tế mà cơ quan quản lý dự thảo, hướng tới lộ trình mở cửa an toàn và thuân lợi cho toàn ngành hàng không Việt Nam nói chung.
Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời:
Mr. Ivan Novak – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Séc tại Việt Nam
Bà Martina Saitlova – Trưởng phòng lãnh sự Cộng hoà Séc tại Việt Nam
TS. Bùi Doãn Nề – Phó chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam
Ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng Cục du lịch
Ông Lâm Thanh Giang – Phó chủ tịch tỉnh Bình Định
Ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch Bình Định
TS Trần Đình Thiên – Thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế Chính phủ
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái – Phó trưởng khoa Vận tải Kinh tế, trường Đại học Giao thông vận tải
TS Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi
Ông Ngô Trần Hải An – KOL, nhà báo Tạp chí Du lịch TP.HCM
Ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc Bamboo Airways
Chương trình sẽ được phát trực tuyến trên fanpage chính thức của Bamboo Airways, Tập đoàn FLC và truyền tải trực tiếp trên báo điện tử Dân trí, Nhịp sống Doanh nghiệp – BizLIVE.vn cùng nhiều cơ quan báo chí truyền thông uy tín trong cùng ngày.
Toàn cảnh Tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới”
Hàng không Việt Nam tiến tới bình thường hoá hoàn toàn
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Bùi Doãn Nề – Phó chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam điểm lại, cho tới nay, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam được hơn 2 năm, đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh tế – xã hội trong cả nước. Trong đó, hàng không, du lịch là hai ngành chịu thiệt hại lớn nhất.
Hoạt động của các doanh nghiệp hàng không đã bị ảnh hưởng trên cả mạng bay nội địa và quốc tế. Kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút, tình trạng tài chính các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn. Một bộ phận lớn người lao động bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc, giảm thu nhập.
Sau khi cho phép triển khai và khôi phục tưng bước đường bay nội địa, ngành hàng không Việt Nam đã có sự khởi sắc trở lại. Đặc biệt, ngành đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nhâm Dần, đảm bảo hành khách đi lại an toàn trên cả các khía cạnh giao thông lẫn y tế.
Các hãng hàng không, các sân bay, cảng hàng không, cơ quan điều hành bay và các đơn vị phục vụ mặt đất đã phối hợp với nhau ngày càng chặt chẽ, giúp hành khách đi lại ngày càng thuận lợi hơn.
Gần đây, Nhà nước đã quyết định mở lại các đường bay quốc tế, phục hồi giao thương, du lịch và chuẩn bị mở cửa du lịch từ 15/3/2022. Những quyết định này đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hoá hoàn toàn các hoạt động của mình, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi – đến Việt Nam.
Tuy nhiên, việc mở lại đường bay quốc tế cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung, với ngành hàng không và du lịch. Đặc biệt là khó khăn do thị trường cần có giải pháp khôi phục và kích cầu trở lại; khó khăn do kiểm soát và đảm bảo an toàn cho hành khách và cộng đồng trong tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.
Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức buổi toạ đàm này, nhằm chia sẻ những hiểu biết, những kinh nghiệm mà các diễn giả và khách mời đã thu được trong thời gian qua, cũng như những dự báo về các biến động trong thời gian tới và những biện pháp khả dĩ giúp doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức.
“Chúng tôi hy vọng những kinh nghiệm, bài học được chia sẻ trong cuộc toạ đàm này đem lại những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp hàng không, có được những kiến nghị, những giải pháp giúp các doanh nghiệp, các hãng hàng không và ngành hàng không sớm khôi phục lại đường bay quốc tế đạt hiểu quả và kỳ vọng”, Phó chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam phát biểu.
Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội
Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao sáng kiến của Tập đoàn FLC, Hãng hàng không Bamboo Airways đã tổ chức Tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” nằm trong khuôn khổ Chuỗi tọa đàm về du lịch, hàng không tại Bình Định từ ngày 18-24/2/2022. Đây là một hoạt động hưởng ứng rất tích cực đối với kế hoạch phục hồi du lịch cũng như hàng không Việt Nam trong điều kiện bình thường mới.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực của toàn ngành du lịch và của các tỉnh, thành phố, sự ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân, du lịch Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi đầy tích cực với từng bước triển khai vững chắc. Tổng cục Du lịch và các địa phương đã hết sức khẩn trương, có trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi du lịch nội địa và quốc tế trong bối cảnh mới với tiêu chí “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Năm 2021, ngành Du lịch đón 40 triệu lượt khách nội địa, 3.800 khách du lịch quốc tế. Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế được triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã đón được gần 9.000 khách. Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành Du lịch phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa.
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho phép mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/3/2022.
Ông Siêu cho biết, đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ sớm công bố các nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch và hướng dẫn chi tiết để các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện.
Trong phương án mở cửa đang được xin ý kiến các bộ ngành liên quan, Tổng cục Du lịch đề xuất nhiều quy định linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho hàng không, doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú khi mở cửa du lịch từ ngày 15/3 như: thay đổi về quy định xét nghiệm COVID-19 đối với du khách, giảm mức trách nhiệm tối thiểu đối với bảo hiểm du lịch chi trả điều trị COVID-19, chính sách thị thực cho khách nhập cảnh…
Đối với thị trường nội địa, hoạt động du lịch được mở cửa hoàn toàn bình thường theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các địa phương công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng.
Trong những năm qua, ngành Hàng không đã luôn gắn bó, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của ngành Du lịch. Hoạt động vận chuyển của hàng không Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam và bùng nổ của khách nội địa giai đoạn năm 2015-2019.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng là động lực để các hãng hàng không tăng cường hợp tác, mở các đường bay trực tiếp tới các quốc gia, thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Hoạt động du lịch hàng không thông qua hình thức thuê bao chuyến máy bay từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã được khai thác hiệu quả, tạo ra sự tăng trưởng đột phá về khách từ các thị trường này đến Việt Nam. Nhiều chương trình kích cầu du lịch của các doanh nghiệp kết hợp với hàng không được triển khai với chất lượng dịch vụ cao, chính sách ưu đãi hấp dẫn đã thúc đẩy hoạt động du lịch rất sôi động.
“Tổng cục Du lịch đánh giá hàng không là một trong những kênh giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam đến thế giới một cách hiệu quả. Chúng tôi đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam với các hãng hàng không và phối hợp tổ chức hàng loạt các chương trình xúc tiến điểm đến Việt Nam ở nước ngoài, tham dự các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức phát động thị trường tại Đông Bắc Á, Châu Âu… Có thể nói, du lịch và hàng không đã có truyền thống nắm tay rất chặt và thực sự đem lại lợi ích cho cả đôi bên”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, việc Chính phủ cho phép mở cửa lại hoàn toàn các chặng bay quốc tế là điều kiện thuận lợi để khách du lịch tin tưởng và có kế hoạch đi du lịch Việt Nam. Đây đồng thời là điều kiện tiên quyết để các hãng lữ hành bắt đầu quảng bá các chương trình du lịch Việt Nam tại các thị trường nguồn trọng điểm.
Để du lịch và hàng không đạt được những kết quả cao nhất trong quá trình phục hồi, ông Siêu cho rằng cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, liên minh bền vững, sẵn sàng đón làn sóng khách du lịch quốc tế quay trở lại và lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Live fully in Vietnam – Sống trọn vẹn tại Việt Nam”, mang lại những hoạt động du lịch – hàng không an toàn và trải nghiệm trọn vẹn tới du khách.
“Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Chúng ta tin tưởng vào sự hồi sinh của ngành hàng không và du lịch sau đại dịch COVID-19 sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế của đất nước nói chung, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW”, ông Hà Văn Siêu nói.
Nguồn: https://cafef.vn/gio-la-luc-du-lich-va-hang-khong-can-nhanh-chong-chop-lay-co-hoi-de-phuc-hoi-20220224155236813.chn