“Tri nhân giả trí, tự tri giả minh, thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường…” – ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám đốc Minh Long I mở đầu cuộc trò chuyện với khách ghé thăm bằng câu nói của Lão Tử. Triết lý sống ấy lại càng thấm đượm ý nghĩa, sau một năm quá nhiều biến động.
Nhìn vào những thành quả mới vừa “ra lò”, còn thơm mùi đất mẹ, ông Sáng nhẹ nhàng kể, mọi năm vào khoảng tháng 7-8, tác phẩm linh vật Tết đã lên kệ để các khách hàng thưởng lãm. Nhưng linh vật, bình hoa, khay mứt của năm nay đến tận tháng cuối cùng của năm mới xuất hiện. Điều đó đồng nghĩa với việc Minh Long đã mất một lượng lớn khách doanh nghiệp đặt quà biếu Tết, khi họ đã chốt sản phẩm khác, thất thu một khoản không nhỏ.
Nhưng với những người gây dựng doanh nghiệp này mà nói, tiền không phải là tất cả!
Lật lại năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát nặng nề, có thời điểm nhân công Minh Long từ hơn 2.600 người xuống chỉ còn 800 người, làm việc 3 tại chỗ, liên tục phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh và đi lại rất khó khăn. Nhưng nếu chỉ chăm chăm vào lợi nhuận mà vội vàng xuất xưởng, Minh Long thừa sức làm được.
Không chọn đi con đường ấy, thứ mà cả gia đình “vua gốm sứ Việt” thực hiện, là quyết phải làm ra sản phẩm tốt nhất gửi đến người dân Việt. Ông Sáng tâm niệm, nếu chính mình đã không hài lòng, làm sao dám đưa đến tay khách hàng được.
Vậy là “tự đeo gông vào mình”, các nghệ nhân của Minh Long khẩn trương làm việc tối đa công suất. Để tỉ mỉ trong từng đường nét, họ phân làm 4 nhóm thiết kế khác nhau. Người thiết kế khuôn, người chuyên về hình dáng, người chỉ lo họa tiết, và người chăm chút màu sắc cho từng sản phẩm.
Mỗi mẫu linh vật vừa thành hình, bộ phận mẫu ngay lập tức đem trình ban giám đốc. Vậy mà chỉ cần có một người trong ban giám đốc chưa đồng ý, cho rằng chưa hoàn hảo, thì mẫu đó phải chỉnh sửa lại ngay và mọi thứ gần như trở lại từ đầu.
Đó là cách mà Minh Long thể hiện sự trau chuốt, tận tình cho từng sản phẩm, và như một lời khẳng định: cái đẹp không bao giờ có sự rập khuôn, giới hạn và sự bằng lòng với khuyết điểm.
Chỉ cho khách tượng hổ Khát Vọng với dáng đứng tựa đá tảng dũng mãnh, ông Sáng không giấu được vẻ tự hào. Thành quả của của nhiều tháng trời lao động sáng tạo được chăm chút đến từng mảng màu lông. Chỉ cần lệch đi một vết vằn trên lưng, mất đi một chút tự nhiên, oai vệ, Minh Long sẵn sàng yêu cầu những nghệ nhân làm lại, chấp nhận tốn thêm chi phí.
Ông Lý Huy Sáng giải thích, hổ là linh vật được mệnh danh “chúa tể sơn lâm”, biểu trưng cho sức mạnh, quyền uy, tài trí và mưu lược trong văn hóa nhiều quốc gia. Với tượng hổ của Minh Long, triết lý đó không thay đổi, nhưng thêm phần nghệ thuật hóa ẩn dụ. Hổ Khát Vọng có thân hình vạm vỡ, thế ngồi vững chãi ở mỏm núi cao, đôi tai vểnh và đôi mắt tinh anh nhìn về phía xa như thu tất cả vào tầm mắt.
Đó là phong thái tự tin, muốn chinh phục và ngự trị cả một vùng trời. Linh vật nhân cách hóa hình ảnh của những doanh nhân, người đứng đầu: luôn có hoài bão lớn xây dựng tương lai, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức để cống hiến cho đời.
Dù tôn trọng sự oai nghi, nhưng hổ Khát Vọng của Minh Long không dữ dằn, hung tợn nhe nanh mà toát lên mình sự nhẹ nhàng, thánh thiện, phù hợp để chưng ở kệ tủ, mặt bàn, đón khách quý ghé thăm nhà chúc Tết. Nếu là người thích chiêm nghiệm, hãy dừng lại trước tượng hổ An Lạc.
Đây cũng là chế tác đặc biệt của Minh Long mừng năm mới Nhâm Dần 2022. Tượng hổ An Lạc có thân hình đầy đặn, vẻ mặt điềm tĩnh và an nhiên. Bên cạnh đó, thần thái của tượng mang lại cảm giác thư thái, ung dung, tự tại như đang thư giãn, nghỉ ngơi.
Chú hổ nhắm mắt, như nhìn về một năm khó khăn với bao đau thương, mất mát đã qua, khép lại những chuyện buồn mà bước tới một cuộc chinh phục mới, tốt đẹp và nhiều thành công.
Ông Sáng nhắc lại câu nói chào khách lúc ban đầu. Phải trải qua một năm đại dịch Covid-19 khủng khiếp thì mới lĩnh hội đầy đủ câu nói của Lão Tử: Biết người là khôn, biết mình là sáng, thắng người là kẻ có sức, tự thắng mình là kẻ mạnh.
Hình tượng hổ An Lạc như hình ảnh những người từng trải, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, thấu hiểu và lĩnh hội mọi việc. Chọn hổ An Lạc là bạn đã gửi đến người được tặng và chính mình lời chúc mọi việc an lạc, ấm no và hạnh phúc trong năm mới – giống như hình ảnh no gió, rẽ sóng vượt biển khơi của chiếc bình hoa thuận buồm Thuận Buồm do Minh Long kỳ công chế tác lại. Giữa biển xanh bao la, chiếc thuyền vững chãi chở đầy tài lộc, may mắn tiến về phía trước, hướng đến tương lai tốt đẹp. Đó cũng là hành trình của sức mạnh, ý chí vượt phong ba để tới bến bờ thành công.
Sau khi đã bình tĩnh vượt qua đại dịch, hổ Như Ý là món quà Minh Long gửi gắm ước ao cho một năm nhiều may mắn. Tượng được tạo hình trẻ trung, đầy sức sống, tựa như chàng thanh niên mang nhiều ước mơ, hoài bão. Mặt linh vật hân hoan, miệng cười tươi tắn và phấn khởi, biểu trưng cho sự hồn nhiên, tự tại, hạnh phúc.
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy người nghệ nhân Minh Long thật tinh tế, khi nắn tay trái linh vật mang tư thế vẫy chào, tạo sự gần gũi, thân thiện. Cái vẫy tay mời gọi một năm mới với nhiều hi vọng mới, bù đắp bao nhiêu vất vả của 12 tháng đã qua. Tay phải hổ Như ý cầm Ngọc, mang đến may mắn, tài lộc. Sở hữu “bảo vật quý” Ngọc như ý sẽ mang đến cho gia chủ nhiều điều tốt đẹp, mọi việc thuận lợi và cuộc sống đủ đầy, sung túc.
Chú hổ được chế tác khéo léo với họa tiết họa sen, vừa là vẻ đẹp của quốc hoa Việt Nam, vừa gắn với khát vọng tựu thành ý nguyện. Đặc biệt, Minh Long tập trung nghiên cứu về mắt của linh vật, để luôn có biểu cảm thần thái riêng, khiến viên đất vô tri bình thường bỗng trở nên nhân cách hóa sống động. Để linh vật hổ vừa mạnh, vừa cuốn hút ở vẻ bề ngoài.
Ngoài điểm nhấn chính là linh vật của năm Nhâm Dần, Minh Long vẫn nâng niu các sản phẩm truyền thống, như khay mứt 5 ngăn gợi nhớ cội nguồn dân tộc. Hoa Đào thịnh vượng và Hoa Mai phú quý, 2 thiết kế này giúp người dân ở mọi vùng miền, từ phương Bắc xa xôi hay phương Nam nắng ấm đều có thể vui xuân với phong tục, bản sắc của quê hương mình.
Không thể không nhắc đến kỹ thuật trổ màu hỏa biến, là thứ đã tạo nên thương hiệu của Minh Long trong những năm trở lại đây. Dù cùng một người nắn, đúc từ một khuôn hay nung ở một lò, không chiếc bình hoa, dĩa trái cây hay chú hổ nào giống nhau hoàn toàn. Sản phẩm bạn chọn cũng chính là cái tôi cá nhân của riêng bạn, không một ai có thể trùng lặp.
Biết cuộc sống ngày một khó khăn hơn, dù giá gas, giá nguyên liệu, nhân công đều cao hơn, Minh Long cố gắng đa dạng sản phẩm với kích cỡ kiểu dáng khác nhau, làm mọi cách để tiết kiệm giúp giá cả không xê xích nhiều. Nếu doanh nhân thành đạt có hổ dát vàng để thể hiện đẳng cấp, thì nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên cũng có thể chọn dĩa trái cây lá Sa Kê hay ly sứ dưỡng sinh, vừa thân thuộc gần gũi, vừa là món quà sức khỏe gửi đến những người thân yêu. Đặc biệt, vì Tết Nguyên đán năm nay rơi vào những ngày cận Valentine (14/2), các nghệ nhân đã tinh tế thiết kế các họa tiết đáng yêu vào ly sứ dưỡng sinh hổ Hạnh Phúc và hổ Yêu Thương. 2 chiếc ly nếu đứng cạnh nhau, chẳng khác gì trời sinh một cặp, đủ đầy đôi lứa.
Minh Long mong muốn mọi người Việt, không phân biệt độ tuổi, già trẻ, gái trai đều có thể đón một mùa xuân bình an và ấm nóng chân tình. Vì sau chuỗi 2 năm liên tiếp xảy ra đại dịch, “vua gốm sứ Việt” thấy hạnh phúc không còn là thứ phải căng mình khó nhọc tìm kiếm chốn xa xôi cách trở. “Hạnh phúc nào có ở đâu xa. Chỉ cần ta được bình an và cả gia đình đều có sức khỏe thì là đã là hạnh phúc. Điều tưởng đơn giản ấy nếu không có đại dịch, chúng ta có thể không nhìn thấy” – ông Lý Huy Sáng chiêm nghiệm.
Sắp bước qua 52 năm tồn tại, Minh Long đã trải qua rất nhiều sóng gió, đã tồn tại qua sự chuyển dời của lịch sử, đã kiên định vượt qua mọi thử thách số phận ban tặng. Và những điều đó đã được gởi gắm vào từng món quà mà Minh Long dành tặng cho thế gian sắp bước vào xuân mới. Tết này đến thật chậm, nhưng với Minh Long – phải luôn đậm đà, đủ đầy hương vị nhân sinh, như sự trường tồn đến ngàn năm, vĩnh cửu trong màu của sứ.
Nguồn: https://cafef.vn/hanh-phuc-nao-co-o-dau-xa-loi-chuc-nam-moi-day-tinh-te-cua-minh-long-qua-tuong-linh-vat-ho-20220114115526674.chn