Tự nhận “đến từ một thế hệ khác”, vị giám khảo 7x luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ với thành công và ý chí lập nghiệp của các bạn trẻ Gen Z. Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, vị Phó giám đốc SSI Research nhắn nhủ đến bạn trẻ “hãy đầu tư từ sớm”.
Hình như ngành học của anh không phải tài chính, theo tôi biết trước đây anh làm cho một cơ quan nhà nước vềxuất nhập khẩu, điều gì khiến anh rẽ ngang sang ngành chứng khoán?
Trước đây tôi học đại học Ngoại thương, và thực ra những năm đó chuyên ngành của tôi học về tài chính cũng ít, thậm chí học Kinh tế còn không có Kinh tế lượng. Phải đến giai đoạn sang học Thạc sĩ ở Úc năm 2006 – 2007 thì tôi mới bắt đầu nghiên cứu nhiều về mảng Tài chính. Thời điểm đó thị trường chứng khoán Việt Nam tăng rất mạnh. Hội bạn tôi về Việt Nam mùa hè những năm đó kể chuyện đánh chứng khoán lãi rất nhiều. Thế hệ 2007 học ở nước ngoài sau đó phần lớn đi về Việt Nam và chuyển sang nghề liên quan tới đầu tư tài chính rất nhiều: đứa thì làm SCIC, đứa thì làm công ty chứng khoán. Vừa có kiến thức tài chính, vừa hợp thời, thế là tôi rẽ ngang thôi (cười).
Mọi người thường gọi anh là “Giáo sư X”, hàm ý như mang nặng về tính nghiên cứu. Vậy tầm quan trọng của tiền với anh là như thế nào?
Mỗi người có quan điểm về tiền khác nhau. Điều quan trọng là biết mình thích gì, cần gì và tiền sẽ là công cụ để đạt được điều mình thích. Tiền chắc chắn nằm trong danh sách những thứ tôi thích và cần, nhưng nó chắc chắn không phải danh mục số một.
Ở những năm 20 tuổi anh làm được gì?
Đầu những năm 20 tuổi thì tiền với tôi không quan trọng lắm. Lúc làm việc ở công ty nước ngoài lương cao thì việc lại chán. Làm việc trong cơ quan nhà nước thì nhiều trải nghiệm đáng nhớ thì lương thấp. Tôi được làm nhiều công việc rất hay ho, và cũng ở đây mà mình có được thành tựu đáng tự hào nhất tuổi 20 mà như bố tôi hay đùa là ở nhà này mày là người được đóng dấu quốc huy vào chữ ký. Nói vui thế chứ nó nghĩa là vào năm 28 tuổi, trở thành lãnh đạo cấp Vụ ở Bộ Thương mại, rất oai vào thời điểm đó. Hệ số chức vụ thời đó 0.6 chẳng đáng bao tiền nhưng công hết vào thì hệ số của tôi vẫn cao hơn lương của mẹ tôi khi về hưu. Mặc dù chẳng có tờ giấy khen nào để ghi nhớ những ngày tháng đó, nhưng đó vẫn là những điều mà tôi cảm thấy tự hào cho đến bây giờ.
Ở độ tuổi 7x như anh, giờ nhìn lại thế hệ Gen Z ở độ tuổi 20 đã có tiền tỷ, anh suy nghĩ như thế nào?
Thực ra tôi là nhà kinh tế nên có quan niệm hơi khác về đồng tiền. Ví dụ bây giờ bảo tiền tỷ thì to chứ quay lại những năm tôi 20 tuổi thì nó chỉ hơn hai con Dream Thái thôi. Thời đó một chiếc Dream Thái có giá 6- 7 cây vàng, mà vàng bây giờ 68 triệu, nhân lên thì ra ngay con số cả tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là các bạn trẻ có một con mắt nhìn về tiền rất khác, việc các bạn sẵn sàng khởi nghiệp, kiếm được nhiều tiền từ khi còn trẻ, là vô cùng đáng ngưỡng mộ.
Nhiều người lo ngại việc cổ xuý đầu tư chứng khoán từ sớm sẽ làm hỏng một thế hệ trẻ chỉ nghĩ đến tiền tiền, anh có đồng ý với quan điểm này không?
Tôi thì không đồng ý lắm với quan điểm này vì lợi thế chính về đầu tư ở các bạn trẻ là thời gian: họ có rất nhiều thời gian đạt mục tiêu của mình. Vì vậy việc đầu tư nên càng sớm càng tốt. Tuy nhiên thì kiếm tiền chỉ là một phần thôi. Kiếm tiền để làm gì thì quan trọng hơn. Xác định mục tiêu của mình, rồi cân bằng giữa công việc với cuộc sống là điều ai cũng phải làm chứ không chỉ mỗi người trẻ.
Đánh giá cả thế hệ hỏng chỉ vì họ ham kiếm tiền thì cũng là hơi quá. Có lẽ chỉ đơn giản là thế hệ tôi với thế hệ các bạn nghĩ khác nhau. Miễn các bạn ấy biết rõ mình đang làm cái gì là được.
Một câu hỏi nữa khá là liên quan đến câu trước. Cùng với xu hướng thị trường, nhiều bạn trẻ chọn trường đại học. Rất nhiều sinh viên đổ vào ngành tài chính, ngân hàng rất nhiều và đôi khi là không tìm hiểu kỹ. Trong khi đó, các trường như Nông nghiệp, công nghệ thực phẩm lại thiếu vắng nhân sự. Anh nhìn nhận sao về xu hướng này?
Đúng là có một truyền thuyết rằng đi làm tài chính thì rất giàu, còn các ngành nghề sản xuất thì vất vả hơn nhiều. Mà thực tế thì chính trong thời Covid-19, 2020-2021, khi nhiều ngành khác lao đao thì ngành tài chính lại không ảnh hưởng mấy. Vậy nên cũng khó trách được các bạn khi muốn nhảy vào ngành tài chính để đi làm sau này.
Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng học được và làm được là hai điều vô cùng khác nhau. Để đi làm được cần nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Một ví dụ dễ hiểu nhất là CFA. Ai cũng nghĩ có CFA là sẽ có thể đi làm ngành đầu tư tài chính, chứng khoán, lương vài nghìn đô. Thế nhưng học thì ai chẳng học được, sinh viên năm hai năm ba mà cố gắng cũng lên vài ba level CFA rồi. Nhưng để được tuyển dụng thì CFA chẳng bao giờ là đủ, và kinh nghiệm thực tế mới tạo ra sự khác biệt.
Trên chương trình Bí mật đồng tiền tôi thấy anh có nhiều câu triết lý rất hay về đầu tư, ví như câu khi nhảy vào thịtrường ko nên có tâm lý chơi game có mạng vô địch (unlimited life), cần phải chắt chiu cơ hội đầu tư… vậy quan điểm của anh về đầu tư, đầu cơ và kẹp hàng như thếnào?
Tôi cũng có viết một bài báo gần đây rất dài nói về việc này. Trong đó, tôi chia sẻ rằng việc đầu tư hay đầu cơ là phụ thuộcvào tính cách của mỗi bạn. Bình thường thì đầu tư sẽ là lựa chọn tốt hơn vì nó dễ. Tuy có “tẻ nhạt”, nhưng có cái hay đầu tư sẽ làm cho bạn có nhiều thời gian tham gia các hoạt động khác mình thích chứ không chỉ ôm bảng giá suốt ngày. Trong khi đó, lại có những người thích trải nghiệm, thích tìm hiểu và có tâm lý tốt thì có thể chọn đầu cơ vì nó mang lại cảm giác mạnh. Đầu cơ làm cho cuộc sống của bạn mỗi ngày không hề giống nhau. Công cụ và chiến lược thì có nhiều, nhưng phần lớn phải dựa vào tính cách của bạn.
Chuyện kẹp hàng thì tôi đã nói mãi rồi (cười). Mình phải hiểu mình đang làm gì và không được huyễn hoặc bản thân. Đừng ôm hàng đầu cơ rồi khi thấy lỗ lại tưởng tượng mình là nhà đầu tư và cứ kẹp hàng trong thời gian dài. Đầu cơ mà đã thấy sai thì phải cắt lỗ chứ không nên làm cái gì khác kiểu như cưa chân bàn.
Làm gì để có thể sống sót trên TTCK, khi cổ phiếu giá trị thì không tăng còn cổ phiếu hàng lái thì tăng bằng lần?
Thường mọi người vào thị trường chứng khoán cứ nghĩ đến việc lướt sóng nhanh nhưng lại không hiểu rằng đầu cơ rất khó. Vậy nên với nhiều bạn mới chưa có kinh nghiệm lao vào thị trường, mà lại thích theo hàng lái, rồi lại cướp cả lái, thì hậu quả khôn lường. Ăn được hàng của lái thì chỉ nhờ có may mắn thôi, chứ nếu lái nào để bạn ăn được liên tục thì lhóa ra lái vì đam mê. May mắn thì như chơi xổ số: ngày nào mình cũng thấy có người trúng thưởng, chỉ có điều là mỗi ngày là một cái tên khác nhau, và thường thì đó không phải tên mình. Với các nhà đầu tư mới thì lao đầu vào đầu cơ là không nên. Tất nhiên bạn có thể bỏ một phần nhỏ danh mục vào hoạt động đầu cơ để trải nghiệm, nhưng đừng all-in ngay khi mới bắt đầu đầu tư.
Anh nghĩ sao về coin?
Tôi nghĩ đơn giản là coin phần nhiều vẫn là rác. Một số ít tiềm năng thì được dịch ra với cái tên mỹ miều là tiền ảo, nhưng tiền thì không phải rồi, còn ảo thì chắc chắn luôn. Còn nếu coi coin là một tài sản số để đầu tư thì tôi cũng không muốn đầu tư lắm, đơn giản vì ở Việt Nam còn rất nhiều cơ hội đầu tư thú vị hơn. Có thể đơn giản là thị trường này không hợp với tôi. Quá nhiều “quả táo thối”, quá nhiều câu chuyện lùa gà, quá nhiều hoạt động làm giá – chỉ cần một tweet là giá có thể chạy và tôi không nghĩ mình có thể chấp nhận một mức độ rủi ro quá lớn như vậy.
Nói thêm thì ở nhà tôi thì về tài sản số, chuyên gia tôi tin tưởng nhất là hai cậu con trai,một đứa 11 tuổi, một đứa 15, ít ra thì đó là thế giới của chúng nó và các bạn ấy cũng tham gia metaverse (Roblox) nhiều hơn hầu hết các chuyên gia lớn tuổi như tôi. Cả hai đều có quan điểm rõ ràng về việc này, và chúng thì không chịu tham gia đầu tư NFT. Tôi cũng không thuyết phục được chúng chơi những trò đó. Kể cả tôi có đề nghị bơm tiền cho chúng chơi Axie Infinity, đầu tư NFT hay vào Roblox để mua mấy đôi giày Nike ảo, tôi cũng không tài nào rủ được hai con tôi tham gia. Chúng nó còn nghĩ tôi bị điên. Thế nên bao giờ tôi thuyết phục được hai con trai mình thì tôi mới nghĩ đến chuyện coin, còn bây giờ thì không.
Một làn sóng ngầm đang diễn ra trong giới công nghệ là theo đuổi các dự án NFT. Nhiều coder gạo cội, designer bỏđi để làm dự án NFT hết. Quan điểm của anh về thị trường này là thế nào?
Hiện tại thì tôi thấy giá trị ứng dụng của NFT vẫn rất mơ hồ, chưa kể đến nhiều yếu tố lừa đảo. Có thể các bạn trẻ sẽ không đồng ý nhưng tôi nghĩ đơn giản nó cũng chỉ là một thứ nhất thời kiểu thẻ trò chơi, thú bông Beanie Bean hay là lan đột biến.. Dĩ nhiên có những công nghệ hay ho đằng sau để chúng ta có thể kể câu chuyện về việc sẽ làm biến đổi thế giới, nhưng dù gì thì tôi cũng không quan tâm đến những điều này cho tới khi tôi nhận ra được sự đồng thuận từ các tay chơi lớn trên thị trường (Chính phủ, ngân hàng trung ương, các định chế tài chính lớn).
Anh có định hướng đầu tư cho con trai mình không?
Các con tôi cũng dần tự hình thành quan điểm rồi. Cậu bé thì đang lớn lên cùng thế giới metaverse của cậu ấy. Cậu lớn thì đang nghĩ đang mơ mộng với việc đầu tư một cách rất ESG – kiểu nghĩ cách short các công ty nhiệt điện than. Mặc dù quan điểm có thể khác nhau, nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ việc tìm hiểu và có chính kiến riêng của các con trong hoạt động đầu tư.
Anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ hiện nay muốn thửsức với TTCK và đầu tư tài chính?
Đầu tư với các bạn trẻ thì càng sớm càng tốt. Thời gian là điều quan trọng. Khi các bạn có nhiều thời gian thì việc đạt được các mục tiêu tài chính sẽ dễ dàng hơn. Các bài học học được từ khi còn trẻ sẽ bớt đắt giá hơn – không giống như tôi khi bắt đầu đầu tư khi đã hơn 30 tuổi.
Anh mong đợi gì ở các thí sinh tham gia Làm giàu tuổi 20?
Thực ra mình làm giám khảo là phụ thôi, chứ chính ra là tham gia chương trình để xem các bạn trẻ làm giàu như thế nào để về dạy hai cậu con trai đấy (cười). Đùa vậy thôi, nhưng như mình đã nói, các bạn trẻ giờ đây rất tài năng và mình rất hào hứng học hỏi từ các bạn.
Nguồn: https://cafef.vn/pho-giam-doc-ssi-research-hay-dau-tu-tusom-bai-hoc-se-bot-dat-gia-hon-20220306190914957.chn