Thông tin thuốc điều trị Covid-19 chính thức lên kệ từ ngày 23/2 khiến dư đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng mạnh trở lại.
Ba loại thuốc được Bộ Y tế cấp phép gồm Molravir 400 của Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty cổ phần Hóa – dược phẩm Mekophar và Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm.
Thuốc điều trị COVID-19 do Boston Việt Nam sản xuất. Nguồn: bostonpharma.com.vn.
Hiện có 10 công ty nộp hồ sơ cho Cục Quản lý dược, và đây là 3 công ty đầu tiên được cấp phép. Cả 3 công ty trên đều khẳng định đủ năng lực sản xuất, cung ứng thuốc cho người dân với giá cả phải chăng.
Theo đó, tình hình kinh doanh của 3 đơn vị này cũng khiến nhiều người tò mò.
Công ty cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar
Trong 3 công ty đầu tiên được cấp phép khẩn cấp này, Công ty cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar (MKP) là doanh nghiệp duy nhất đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Mekorphar được thành lập từ năm 1975, tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24 – thành viên của Tổng công ty Dược Việt Nam. Công ty có trụ sở tại 297/5 Lý Thường Kiệt, Phường 15, Quận 11, TP HCM; hoạt động chủ yếu sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, dược liệu, hóa chất…
Mekophar được cổ phần hóa từ 2001, niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vào năm 2010. Hai năm sau, doanh nghiệp hủy niêm yết để tái cơ cấu cổ đông, loại bỏ 4,7% vốn thuộc sở hữu nước ngoài.
Nhờ đó, Mekophar đủ điều kiện theo quy định pháp luật để mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dược phẩm. Đến năm 2017, MKP đăng ký giao dịch trở lại trên sàn UPCoM.
Công ty cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar.
Theo số liệu của Dân trí, kết quả kinh doanh của Mekophar trong những năm gần đây không mấy khả quan.
Công ty đạt đỉnh doanh thu năm 2017 với mức 1.367 tỷ đồng trước khi đi thụt lùi trong giai đoạn sau đó, lợi nhuận cũng giật lùi kể sau năm 2014. Từ mức hơn 162 tỷ đồng, năm 2019 lợi nhuận lùi về hai con số, còn hơn 65 tỷ đồng. Trong đó mức sụt giảm của năm 2021 là sâu nhất khi chỉ đạt 16 tỷ đồng, giảm 2,5 lần so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, năm 2021, Mekophar đạt 1.129,85 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6,7% so với năm trước đó. Giá vốn hàng bán chiếm 920,12 tỷ đồng, tuy giảm hơn 3% so năm trước nhưng lợi nhuận gộp trong năm 2021 vẫn giảm mạnh 18,6% so với năm 2020, đạt 209,72 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh không quá thuận lợi nhưng “sức khỏe” tài chính của Mekophar lại khá ổn định. Trong đó, vốn chủ sở hữu có xu hướng tăng, giai đoạn 2016-2021 đã bồi thêm hơn 27% lên mức gần 1.250 tỷ đồng.
Sau thông tin Mekophar được cấp phép khẩn cấp thuốc điều trị Covid-19, thị giá cổ phiếu MKP gần như tăng trần liên tiếp nhiều ngày liên tục, trước khi bất ngờ có 2 phiên giảm ngày 24 và 25/2. Tính chung trong tuần qua, mã này tăng giá 33%, còn nếu tính trong 1 năm, cổ phiếu này tăng thêm tới 81% thị giá.
Ngoài Mekophar, Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm và Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam (Boston Pharma) đều là hai doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm
Theo thông tin tự giới thiệu, Stellapharm được thành lập vào năm 2000, tiền thân là Công ty TNHH Liên doanh Stada – Việt Nam. Công ty chủ yếu sản xuất dược phẩm và tham gia xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm.
Người đại diện pháp luật là ông Ông Văn Dũng. Vốn điều lệ: 954 tỷ đồng, tương đương 45 triệu USD. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm M.S.T góp 477 tỷ đồng, tương đương 22,5 triệu USD; Công ty STADA Pharmaceuticals Asia (là Công ty con của Tập đoàn STADA Arzneimittel AG có trụ sở tại CHLB Đức) góp 477 tỷ đồng, tương đương 22,5 triệu USD.
Thông tin sản phẩm được giới thiệu trên website Stellapharm.
Theo số liệu của VnExpress, phong độ kinh doanh của Stellapharm những năm gần đây không ổn định. Năm 2016, công ty này ghi nhận gần 275 tỷ đồng doanh thu và hơn 28 tỷ đồng lãi ròng. Hai chỉ tiêu này sau đó gần như giảm dần đều, lần lượt đi lùi khoảng 40% và 85% sau 4 năm.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam
Trong khi đó, Boston Pharma là doanh nghiệp liên doanh với Boston Pharmaceutical Inc. USA từ năm 2008. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Dược Phẩm Vitar do Công ty Dược Trung ương I (thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam) và các cổ đông cá nhân điều hành. Đến tháng 1/2022, vốn điều lệ công ty nâng lên gần 214 tỷ đồng, cổ đông ngoại chiếm 5%.
Boston Pharma có địa chỉ tại số 43, đường số 8, khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược: số 437/ĐKKDD-BYT do Bộ Y tế cấp ngày 16/6/2020, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc. Người đại diện theo pháp luật là ông Lương Đăng Khoa.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam.
Theo thông tin trên website công ty, sau hơn 15 năm thành lập và phát triển, Boston Pharma đã sản xuất 184 loại dược phẩm, 750 nhân sự và nhà máy có công suất 1 tỷ đơn vị sản phẩm mỗi năm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham vọng trở thành biểu tượng hàng đầu về chất lượng Dược phẩm và Top 10 nhà máy sản xuất thuốc tân dược tốt nhất Việt Nam.
Theo dữ liệu của Dân Việt, giai đoạn 2016 – 2020, tình hình kinh doanh của Boston Pharma phát triển ấn tượng với doanh thu tăng trưởng đều qua mỗi năm. Cụ thể, doanh thu của Boston Pharma tăng hơn 2,75 lần lên mức 355 tỷ đồng. Lãi ròng của doanh nghiệp tăng mạnh đến hơn 4,7 lần, đạt gần 30 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Boston Pharma đạt 445 tỷ đồng, vốn điều lệ doanh nghiệp 204 tỷ đồng, nợ phải trả còn 241 tỷ đồng.
Theo công bố của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thuốc Molravir 400 (hoạt chất Molnupiravir 400mg) của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam được bào chế dạng viên nang cứng có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.
Giá của thuốc Movinavir (Molnupiravir 200 mg) dạng viên nang của Công ty Cổ phần hóa – dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.
Giá của thuốc Molnupiravir Stella 400mg (Molnupiravir 400 mg) của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1, có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.
(Tổng hợp)
Nguồn: https://cafef.vn/he-lo-tinh-hinh-suc-khoe-cua-3-cong-ty-dau-tien-duoc-cap-phep-thuoc-dieu-tri-covid-19-20220226092228939.chn