Trong quý 4 năm 2021 nói riêng và cả năm 2021 nói chung, hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí của Tập đoàn Vingroup chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài. Điều này khiến tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup trong quý 4 đạt 34.458 tỷ đồng – giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp, trong năm, Vingroup đã tài trợ một con số kỷ lục – 6.099 đồng cho các hoạt động phòng chống Covid-19 và các hoạt động tài trợ khác (tính đến nay, Vingroup đã chi hơn 9.400 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống Covid).
Đồng thời, Tập đoàn cũng quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện. Điều này dẫn đến trong kỳ, Vingroup ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.
Vingroup đã ghi nhận lỗ hợp nhất trước thuế quý 4 hơn 6.369 tỷ đồng, lỗ sau thuế trong kỳ là 9.249 tỷ đồng. Theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng trả lời truyền thông, Covid đã khiến “Vingroup phải chịu tổn thất lớn. Nhưng đại dịch đã tạo động lực để thay đổi, nâng cấp hệ thống quản trị mạnh mẽ. Nó cũng tạo cơ hội để Vinfast phát triển các mẫu xe điện”.
Tính chung cả năm 2021, Vingroup đạt 125.306 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.346 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 7.523 tỷ đồng.
Hơn 5 tỷ USD doanh thu của Vingroup từ đâu?
Số liệu báo cáo tài chính cho thấy, năm 2021 nguồn thu chủ yếu của Vingroup vẫn từ mảng bất động sản, thu về 78.800 tỷ, chiếm 63% tổng doanh thu.
Năm 2021, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes đạt 85.094 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 48.469 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ đạt 39.017 tỷ đồng, tăng tương ứng 33% và 43% so với năm 2020. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong năm 2021 đạt 9.060 đồng. Vinhomes lập kỷ lục trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán đạt lợi nhuận trên 2 tỷ USD/năm.
Hoạt động sản xuất và các dịch vụ liên quan (Vinfast, công nghệ) đạt doanh thu thuần 17.263 tỷ đồng, chiếm 14% tổng doanh thu, ghi nhận lỗ trước thuế 23.948 tỷ. Trả lời VnExpress, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết Vinfast dự tính sẽ chịu lỗ 5 năm đầu, hiện đã đi được hơn nửa đường và nếu theo đúng kế hoạch 2 năm nữa có lãi ở thị trường quốc tế, còn thị trường Việt Nam thì vẫn bù lỗ vì phải gánh cả chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng cho xe điện. Đến nay, Vingroup có 40.000 cổng sạc nhưng sẽ nâng lên 150.000 vào cuối năm 2022. Đây là một khoản đầu tư khổng lồ.
Hoạt động kinh doanh cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan đạt doanh thu thuần 5.377 tỷ đồng, chiếm 4% tổng doanh thu.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan đạt doanh thu thuần 3.233 tỷ đồng, chiếm 3% doanh thu. Mảng này ghi nhận lỗ gần 10.900 tỷ đồng.
Hoạt động y tế và các dịch vụ liên quan (Vinmec) đạt 2.787 tỷ đồng doanh thu, chiếm 2% tổng doanh thu toàn tập đoàn, ghi nhận lỗ 1.264 tỷ đồng.
Hoạt động giáo dục và các dịch vụ liên quan (Vinschool) đạt 2.272 tỷ đồng doanh thu, chiếm 2% tổng doanh thu, ghi nhận lỗ 242 tỷ. Vingroup tách Vinmec, Vinschool, VinUni, Quỹ Thiện Tâm… thành Khối Thiện nguyện xã hội vì muốn đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này.
Trong quý 4, hầu hết các mảng kinh doanh của Vingroup tăng trưởng doanh thu so với quý 3 nhưng ngoại trừ mảng bán bất động sản, các mảng kinh doanh còn lại đều thấp hơn cùng kỳ 2020.
Nguồn: https://cafef.vn/hon-5-ty-usd-doanh-thu-cua-vingroup-den-tu-dau-20220208155207132.chn