Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng ‘bội thu’ nhờ du lịch đầu xuân Nhâm Dần. Ảnh: Lê Vĩnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành chỉ thị, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các bên kịp thời công bố lộ trình và triển khai mở cửa lại du lịch. Các đơn vị chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4 và cố gắng từ cuối tháng 3, Thủ tướng yêu cầu.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, thời điểm 31/3 là thời điểm Việt Nam hoàn tất thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân 2022. Đồng thời, việc công bố thời điểm mở cửa để các doanh nghiệp du lịch có thời gian chuẩn bị về sản phẩm, nhân lực.
Kết quả tính đến ngày 23/1/2022, du lịch Việt Nam đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.
Doanh nghiệp du lịch gặp khó khi trở lại cuộc đua
Những dấu hiệu khả quan từ chính sách của Nhà nước và thị trường du lịch nội địa trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua đang hứa hẹn bức tranh tích cực cho các doanh nghiệp lữ hành du lịch trong năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh sự hứng khởi là một loạt những thách thức để có thể “restart” thành công.
Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc CTCP Lữ hành Thành Sen cho biết, mặc dù mở cửa du lịch nhưng vấn đề các doanh nghiệp lữ hành lo ngại nhất vẫn là lượng khách. Đây là điều khó tránh khỏi bởi ảnh hưởng dịch bệnh khiến du khách có tâm lý lo lắng và ưu tiên phòng dịch lên hàng đầu.
“Với doanh nghiệp, lúc nào cũng sẵn sàng để đón khách du lịch. Mặc dù, kế hoạch sẵn sàng đang ở quy mô nhỏ, nhưng các doanh nghiệp vẫn luôn luôn chuẩn bị nhân lực, các điều kiện cần và đủ để đón khách trong giai đoạn dịch bệnh. Đặc biệt là tuân thủ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể là thực hiện tốt ‘thông điệp 5K’ để đón khách một cách an toàn”, ông Trình nói.
Với các doanh nghiệp phải ngủ đông trong thời gian qua, bây giờ là lúc “tái khởi nghiệp” từ đầu, và sẽ phải tuyển dụng những nhân sự “đầu tiên” khi hoạt động trở lại. Với những người theo chuyên ngành du lịch, có thể nói rất ít trong số họ sẽ tự tin rời bỏ công việc hiện tại để bước chân vào ngành du lịch sau những gì họ được chứng kiến trong 2 năm vừa qua, ông Trình chia sẻ.
Bên cạnh đó, bộ mặt công nghệ ứng dụng đã thay đổi hoàn toàn trong 2 năm vừa qua và ảnh hưởng sâu sắc đến cách làm việc theo từng nghiệp vụ chuyên môn của mỗi doanh nghiệp. Hiện nay, các công cụ trực tuyến đã giúp chủ doanh nghiệp vận hành hoàn toàn trên điện thoại di động, các nghiệp vụ chuyên môn có thể thực hiện được từ bất cứ đâu và các phương pháp tiếp cận cũng như chăm sóc khách hàng hiện nay cũng đa dạng và dễ sử dụng. Việc cập nhật công nghệ sẽ là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị tụt hậu với thị trường.
Hơn nữa, thời gian gần đây có thể thấy rất rõ xu hướng “tự tổ chức, tự đi” của khách hàng đang ngày càng cao, nhu cầu của khách hàng có nhiều thay đổi. Với sự giúp sức của công nghệ, khách du lịch hiện nay đã có rất nhiều sự thuận tiện trong việc tự tổ chức chuyến đi của mình và vai trò của các công ty lữ hành đang bị đe dọa.
“Phía doanh nghiệp luôn cần sự đồng hành của du khách, luôn mong muốn du khách quan tâm hơn để giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành cũng mong muốn ban lãnh đạo các cấp, quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngành du lịch được trở lại cuộc đua, khôi phục nền kinh tế”, ông Trình cho hay.
Kịch bản nào để du lịch “cất cánh”?
Cũng chia sẻ với Nhadautu.vn , chuyên gia du lịch TS. Trịnh Lê Anh (Giảng viên Khoa Du lịch học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, cuộc đua mở cửa du lịch đang nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi nhiều quốc gia Đông Nam Á liên tục có những chính sách mở cửa hoàn toàn để phục hồi du lịch. Khi phải đối mặt với nhiều thách thức, du lịch Việt Nam phải có kịch bản tích cực để lấy lại lợi thế.
Đầu tiên, doanh nghiệp cần trả lời những câu hỏi: nhân sự đã được đào tạo lại để thích ứng với yêu cầu mới – đa kỹ năng- chưa?; nhân sự mới đã tuyển được chưa?; sản phẩm du lịch có phù hợp với xu hướng mới hay không?; dịch vụ từ các nhà cung cấp đã sẵn sàng đón khách chưa? Bên cạnh đó doanh nghiệp tuy không thể chủ động nhưng phải nắm bắt nhanh nhạy và ứng biến với các thủ tục và “rào cản” từ yêu cầu y tế chống dịch COVID-19.
TS. Trịnh Lê Anh nói: “Tôi đã tham khảo khá nhiều doanh nghiệp, thời điểm này nhiều đơn vị đang thăm dò và khảo sát thị phần khách của doanh nghiệp mình để đo lường giữa năng lực đáp ứng với nhu cầu tiềm năng, đo lường giữa nguồn lực đầu tư với hiệu quả kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng đang tích cực tính toán để bổ sung tiền vốn lưu động, có thể vay ngân hàng…”.
Trong năm 2022, theo TS. Trịnh Lê Anh và nhiều doanh nghiệp cùng xác nhận trong một số diễn đàn, thị trường chủ lực, sôi động nhất vẫn là khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, cũng khá nhiều quan ngại về sự phục hồi không quá mạnh mẽ của thị trường nội địa.
Các công ty kinh doanh khách nội địa sẽ phục hồi chậm, khách vẫn ít do sự hạn chế thị trường bởi nhiều nguyên nhân và đối mặt với việc khách tự đi du lịch không thông qua mua tour, các nền tảng công nghệ nước ngoài cung cấp dịch vụ nội địa, các group cộng đồng review khiến khách càng có xu hướng đặt trực tiếp dịch vụ…
Thị trường khách quốc tế sẽ cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn của các chính sách vĩ mô để có thể trở lại nhanh và mạnh: Chính sách visa, các chuyến bay thương mại hàng ngày đều đặn, chính sách công nhận tiêm chủng vaccine, chiến dịch truyền thông quảng bá điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, thuận tiện, chi phí hợp lý trong mắt du khách.
Nội địa là “bình oxy” nhưng không bỏ lơ khách quốc tế
Doanh nghiệp làm outbound cũng sẽ nhanh phục hồi do khách trong nước có nhu cầu đi nước ngoài vẫn khá cao và khách có xu hướng đi theo công ty du lịch do giá tour trọn gói tốt.
“Giai đoạn thí điểm mở cửa đón khách quốc tế vừa qua, thật ra chỉ có chưa đến 50% là khách du lịch quốc tế, còn lại là bà con Việt Kiều nương theo chính sách đó để được hồi hương là chính. Do đó, tôi cho rằng chưa thể đo được hiệu quả rõ rệt trong giai đoạn thí điểm này. Rào cản lớn nhất là thủ tục xét nghiệm, thời gian cách ly và sự hạn chế di chuyển, hạn chế đơn vị đón khách, hạn chế điểm đón khách, cơ sở lưu trú và dịch vụ chưa sẵn sàng mở trở lại…”, TS. Trịnh Lê Anh cho biết.
Nhiều doanh nghiệp qua tham vấn bày tỏ kiến nghị mở lại thị trường bằng chính sách miễn thị thực cho du khách quốc tế vào Việt Nam như thời điểm 2019, mở cửa hoàn toàn và cho phép các doanh nghiệp có giấy phép hợp lệ được đón khách, thống nhất quy trình đón khách tại các địa phương nhất quán và đồng bộ…
“Doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan quản lý và các địa phương thống nhất hướng dẫn xử lý khi có phát sinh ca nhiễm trong quá trình tổ chức tour; tổ chức đào tạo tập trung có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước để giúp nhân lực du lịch quay trở lại nghề, sẵn sàng cho việc đón tiếp khách, đảm bảo chất lượng phục vụ đúng chuẩn”, phân tích.
Phân tích từ dữ liệu của Google cho thấy từ đầu tháng 1/2022 đến nay lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3-2 tăng 374% (so cùng kỳ 2021).
Cùng với đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng cao. Trong đó, du khách đến từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Anh, Canada… có lượng tìm kiếm thông tin du lịch về Việt Nam nhiều nhất.
Nguồn: https://cafef.vn/huong-di-nao-cho-doanh-nghiep-lu-hanh-hau-covid-19-20220215110334858.chn