Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Bố mẹ tôi làm công chức nhà nước chỉ đủ ăn, nói thật là đến giờ này, bố tôi chưa từng có trong tay một cuốn sổ tiết kiệm. Ông uống rượu triền miên, thứ duy nhất ông để lại cho tôi đó là tinh thần lạc quan và hướng thiện.
Thi đại học năm đầu tiên, tôi trượt đại học Kinh tế quốc dân, thiếu 3 điểm. Gia đình sắp xếp để tôi vào học trường đại học ở Đà Lạt để sau đó chuyển tiếp ra Hà Nội. Trước ngày lên tàu, tôi bảo mẹ cho con ở lại học năm lớp 13, con sẽ thi lại.
Thông thường, tâm lý của những người thi lại lần 2 sẽ chọn một trường thấp điểm hơn, nhưng tôi đăng ký khoa cao điểm nhất của NEU, và tôi đỗ. Lớp tôi học chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, khoa Ngân hàng, nhưng môn duy nhất thôi thích là “thị trường chứng khoán”. Đó cũng là một duy nhất trong bảng điểm đại học của tôi được tròn 10 phẩy.
Bạn đã Làm giàu tuổi 20 như thế nào, kể coi!
Bước 1: Chia sẻ câu chuyện về chủ đề “Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?” dưới hình thức bài viết hoặc video.
Bước 2: Đăng tải bài thi lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi về cho BTC qua email lamgiautuoi20@vccorp.vn hoặc fanpage Kenh14.vn và CafeF .
Khoản thua lỗ đáng nhớ
Năm 2007, khi đó chúng tôi đang học năm thứ 3, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ. Trước đó một năm, Việt Nam chính thức gia nhập WTO đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam. Thời điểm đó, số lượng cổ phiếu niêm yết trên hai sàn không nhiều, công nghệ ngành chứng khoán còn rất thô sơ, và bảng điện tử chỉ độc một màu tím dư mua, chỉ cần mua được là thắng. Lớp đại học của tôi lúc đó ai cũng thi nhau mở tài khoản chứng khoán và tôi cũng không đứng ngoài cuộc chơi ấy.
Năm ấy mẹ tôi có 4 cây vàng tiền được trả từ bồi thường nhà đất, do nhà nước lấy để mở rộng đường. Mẹ tôi khi đó cho bác tôi mượn để làm ăn, và tôi, sinh viên năm thứ 3, khuyên mẹ đòi số tiền đó về để đầu tư.
Tôi vẫn nhớ mãi cảnh tượng một hàng dọc nhà đầu tư cầm một túi nilon tiền xếp hàng chờ nộp vào tài khoản chứng khoán tại một phòng giao dịch trên đường Bà Triệu. Thời điểm đó, chưa có giao dịch liên tục, chưa có ATO, ATC, một tuần sàn chỉ mở 3 ngày và cũng không có giao dịch online. Tất cả phải viết vào phiếu lệnh bằng giấy và đưa cho nhân viên môi giới nhập lệnh, cảnh tượng chen chúc không khác gì tranh cướp.
Tôi đã không thể chen mua bất kỳ một cổ phiếu nào mà các bạn cùng lớp tôi mua, Vinamilk, FPT, không thể mua nổi và cuối cùng tôi đã chọn một cổ phiếu duy nhất còn dư bán trên sàn Hà Nội, một công ty thuỷ điện với giá 73.000 đồng/cp. Ngày hôm đó, Vn-Index đạt đỉnh lịch sử 1.107 điểm.
Khi còn là sinh viên năm 3, thời điểm đó tin tức không update liên tục như Facebook, Twitter hoặc các trang điện tử như bây giờ. Tôi đã không đọc được bất kỳ thông tin gì liên quan đến khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tôi chỉ biết rằng sau khi khớp lệnh, không hiểu sao cổ phiếu của tôi giảm liên tục. Tôi cũng không biết rằng, cái ngày tôi đặt lệnh và khớp lệnh, Vn-Index đã phải mất 13 năm sau mới có thể quay về được mốc đó.
100 triệu đồng ban đầu của mẹ, đến năm 2009 còn 25 triệu đồng. Lúc đó Vn-Index còn 263 điểm. Tôi đã cắt lỗ cổ phiếu thuỷ điện đầu tiên và sau đó mua vào một vài cổ phiếu chứng khoán. Thị trường đã hồi phục rất mạnh trong năm 2009 và đưa tôi về bờ. Năm 2009, tỷ suất sinh lời của tôi là 300% (tất nhiên, tôi đã phải top up thêm tiền để gỡ lỗ).
Tôi đã đi qua gần hết các đợt sóng thần trên TTCK. Tôi là một con gà bé được luyện tập liên tục. Sự kiện biển Đông, bắt bầu Kiên, bắt Chủ tịch OGC Hà Văn Thắm, chiến tranh thương mại Mỹ Trung, các đợt điều chỉnh ETF…không có một đợt sụt giảm trắng bảng bên mua nào mà tôi không có mặt. Tiền lương đi làm những năm đầu chỉ để dành duy nhất vào một việc: nạp để không bị call margin những lúc thị trường rơi. Tôi vẫn luôn dành một niềm tin vào TTCK, và cho rằng với số tài khoản chứng khoán rất nhỏ nhoi ở thời điểm đó, sẽ có lúc TTCK bùng nổ, mình đừng để tài khoản bị force sell là được.
Tôi có thể ngồi cả ngày ngắm bảng điện tử và những con số xanh đỏ nhấp nháy trên đó. Các bạn gái thích nói chuyện đầm váy son phấn thì tôi thích nói chuyện về cổ phiếu, giá dầu, giá vàng. Chắc vì sở thích đó mà hầu hết các bạn trai sau này của tôi đa phần đều làm trong ngành chứng khoán (!).
Nhà quản lý quỹ bất đắc dĩ
Năm 2018, cuộc hôn nhân của tôi đổ vỡ. Có rất nhiều lý do để hai người chia tay, chỉ đơn giản là chúng ta sẽ cho nhau một cơ hội để đối xử với nhau một cách văn minh. Tôi đã có một thời gian khá stress vì trước giờ kinh tế trong nhà đa phần là chồng quản lý. Tôi có đầu tư chứng khoán nhưng vốn rất bé, chỉ vài trăm triệu và theo quan điểm của chồng cũ, “em chỉ nên đầu tư chứng khoán cho vui thôi”.
Tôi đã nghĩ lại quãng thời gian mình học năm thứ 13 và học lại để thi vào trường kinh tế. Câu tôi thích nhất hồi cấp 3 khi đọc truyện Slam Dunk, và nó là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời tôi sau này là: “Nếu bạn bỏ cuộc, trận đấu coi như kết thúc”. Tôi đã bỏ cuộc với mối tính đầu, người bạn trai đầu tiên, cuộc hôn nhân đầu tiên. Sau này tôi sẽ làm như thế nào?
Năm 2019 tôi quyết định bán căn chung cư đứng tên hai vợ chồng, sau đó đi mua trái phiếu doanh nghiệp. Tôi chia làm nhiều kỳ hạn, mua của nhiều công ty, với lãi suất dao động từ 9-11%/năm. Mặc dù chưa bao giờ từ bỏ niềm yêu thích với TTCK nhưng diễn biến của 2 năm 2018-2019 khiến tôi khá thận trọng với việc sẽ bỏ thêm tiền để đầu tư.
Năm 2020, Covid bùng phát, Vn-Index mất hơn 40% chỉ trong 2 tháng. Lúc đó tài khoản chứng khoán của tôi có giảm, nhưng không nhiều, vì tôi quyết định cắt lỗ toàn bộ và đứng ngoài khi nhìn thị trường rơi 10%. Việc bảo toàn được tiền mặt ở thời điểm quan trọng sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực khi thị trường trắng bảng bên mua. Tháng 3/2020, tôi quyết định giải ngân, mua 2 cổ phiếu MWG và HPG ở đúng đáy. Sau này, cứ mỗi khoảng trái phiếu đáo hạn, tôi top up toàn bộ vào TTCK, và mua các cổ phiếu an toàn như TCB hay MBB, chỉ với một kỳ vọng: cao hơn lãi suất trái phiếu tức là cao hơn tỷ suất lợi nhuận 10%/năm.
Trong vòng 2 năm, giá trị tài sản ròng danh mục của tôi có lúc gấp 100 lần thời điểm đầu. Tôi đã bất đắc dĩ trở thành một nhà quản lý quỹ mini, quản lý quỹ tài sản của gia đình, tiền đi du học của con tôi, tiền mua nhà cho bố mẹ, tiền ăn chơi nhảy múa đi du lịch, vân vân và vân vân. Bạn có thể chơi liều khi tiền còn bé, nhưng khi tiền đã to, bạn không được phép sảy chân. Và tôi vẫn kiên định với concept đầu tư của mình: không chơi hàng lái. Nhưng concept này đã khiến tôi bỏ qua rất nhiều cơ hội ở giai đoạn nửa cuối năm 2021, khi hầu hết bluechips đều đứng im trong khi midcap đa phần đều tăng bằng lần.
Phong cách đầu tư và sai lầm
Công việc và các mối quan hệ cho phép tôi có rất nhiều thông tin về thị trường. Mỗi ngày bạn bè sẽ phím cho vài cổ phiếu, có cổ phiếu tôi mua theo, có cổ phiếu không. Trong 10 deal giải ngân, sẽ có 3-4 deal tôi phải cắt lỗ, thậm chí là cắt lỗ đúng đáy. Hoặc tôi có mua, nhưng bán rất sớm, từ chuyên ngành gọi là “mất hàng”. Những cổ phiếu thua đau nhất đa phần là cổ phiếu được phím “có tin mật đánh lên”, hoặc là tôi nghe tin từ quá sớm, lúc đó thị trường chưa phản ánh tin vào giá nhưng khi tôi mất kiên nhẫn bán đi thì lúc đó cổ phiếu mới tăng mạnh. Tôi vẫn cho rằng, niềm tin vào cổ phiếu mình nắm giữ rất quan trọng. Khi mình tìm hiểu đủ kỹ, có đủ thông tin, thì khả năng mình ăn được hết phần thân cá – tức là giai đoạn bứt phá mạnh nhất của một cổ phiếu, sẽ rất lớn.
Mỗi người sẽ có một phong cách đầu tư riêng, và không ai nói hay hơn ai, không ai tự tin rằng phương pháp đầu tư của mình là chuẩn xác. Tôi thích mua cổ phiếu bluechips trong Vn30 và full margin, phong cách này đã giúp tôi thắng lớn trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 khi hầu hết các bluechips đều tăng rất mạnh.
Việc theo dõi bảng điện tử trong một thời gian dài cũng giúp tôi có thể nhận ra rất nhanh một cổ phiếu đột biến, mà theo phân tích kỹ thuật là điểm “break” nghĩa là giá và khối lượng tăng đột biến. Trong 2 năm qua, tôi đã nhận ra rằng, cổ phiếu giá trị có thể bị định giá sai, nhưng dòng tiền thì không sai. Khi dòng tiền tập trung ở một nhóm cổ phiếu, hoặc một cổ phiếu nào đó, tức là có một thông tin bên lề mà mình chưa biết. Và cho dù vẫn theo phong cách đầu tư giá trị, tôi dành một phần danh mục để follow theo dòng tiền, vào các cổ phiếu hoặc các dòng đang hot trên thị trường, con số này không quá 30% NAV.
Tôi đăng ký học một lớp phân tích kỹ thuật, chỉ đơn giản để mình có thêm công cụ không bán hàng quá sớm hoặc không cắt lỗ đúng đáy. Nhưng phân tích kỹ thuật đôi khi sẽ làm mình bị rối và không giữ được hàng lâu, đặc biệt với các cổ phiếu giá trị.
Hai năm vừa qua là thời điểm thăng hoa của TTCK, nhiều lúc tôi tin rằng với diễn biến thị trường thời gian rồi giống như khỉ ném phi tiêu, mua con gì cũng thắng. Nhưng cuộc đời sẽ không trải một màu hồng mãi như thế, 2 năm Vn-Index tăng 137% từ đáy, nhiều cổ phiếu đã ở ngưỡng giá vô lý. Địa chính trị toàn cầu phức tạp bởi cuộc chiến Nga – Ukraina sẽ tác động đến giá cả hàng hoá toàn cầu, qua đó sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Sẽ có những thời điểm TTCK điều chỉnh và cổ phiếu sẽ quay về giá trị thật của nó. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn đặt cược rất lớn vào các cổ phiếu đầu ngành, các sếu đầu đàn của nền kinh tế, mặc dù trong suốt 6 tháng qua, đã có rất nhiều cổ phiếu bị thị trường lãng quên vì chạy theo đội lái.
Cuối cùng, tôi vẫn giữ một niềm tin rằng, với làn sóng F0 mạnh mẽ và độ tuổi tham gia thị trường chứng khoán ngày càng trẻ hoá như hiện nay, cơ hội để được ăn bằng lần và nhân tài khoản trong 5-10 năm tới là hoàn toàn khả thi.
“Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?“, bạn đã trả lời được câu hỏi này chưa – hay vẫn còn đang trong quá trình tìm kiếm “kịch bản” riêng cho mình? Đó cũng chính là chủ đề 1 của Làm giàu tuổi 20 – cuộc thi sáng tạo nội dung đầu tiên khai thác về chủ đề Tài chính Giới trẻ.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi bài dự thi về BTC qua: email lamgiautuoi20@vccorp.vn hoặc fanpage Kenh14.vn và CafeF . Chủ đề “Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào” sẽ diễn ra từ 17/2/2022 đến 9/3/2022 với nhiều giải thưởng hấp dẫn:
Giải nhất: Kỷ niệm chương và 20.000.000 VND
Giải Yêu thích do độc giả chọn: Kỷ niệm chương và 2.000.000 VND
Giải yêu thích do BGK lựa chọn: Kỷ niệm chương và 3.000.000 VND
Các bài dự thi chất lượng sẽ được đăng tải trên 2 trang tin CafeF và Kenh14.vn
Cuộc thi Làm giàu tuổi 20 được đầu tư thực hiện, phối hợp tổ chức bởi Kenh14.vn, CafeF cùng sự góp mặt đặc biệt bởi các khách mời là Chuyên gia tài chính uy tín, những người có tầm ảnh hưởng và đam mê về lĩnh vực tài chính. Mọi thông tin chi tiết xem tại đây .
Nguồn: https://cafef.vn/lam-giau-tuoi-20-13-nam-dau-tu-chung-khoan-thua-lo-da-cho-toi-kinh-nghiem-gi-20220228152024324.chn