81% lực lượng lao động tại Việt Nam mong muốn được làm việc linh hoạt từ xa, đồng thời cũng có đến 77% lực lượng lao động muốn có thời gian gặp mặt trực tiếp các đồng nghiệp của mình. Đây là một sự phức tạp và nó phản ánh thực tế rằng người lao động muốn kết hợp những gì tốt nhất của cả hai cách làm việc.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành của Microsoft Việt Nam, nhân dịp khai trương văn phòng mới theo mô hình làm việc kết hợp tại Hà Nội, để tìm hiểu sâu hơn về xu hướng này.
Là một trong những tập đoàn sớm triển khai mô hình làm việc từ xa ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát, xin bà cho biết Microsoft tiếp cận mô hình làm việc này như thế nào?
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Microsoft đã triển khai mô hình làm việc kết hợp cho hơn 160.000 nhân viên trên toàn cầu. Sau một năm, chúng tôi đã có 160,000 nhân viên làm việc tại nhà và tuyển dụng trực tuyến 25,000 nhân viên mới. Trong đó, 90% nhân viên cho biết họ cảm thấy gắn bó tại Microsoft và đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
Thực tế cho thấy công việc có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau và hơn bao giờ hết, sự linh hoạt, tin tưởng và trao quyền là chìa khóa để mang lại thành công. Chúng tôi tin rằng làm việc kết hợp là xu hướng của tương lai và để hỗ trợ nhân viên đạt được thành công, doanh nghiệp sẽ cần phải định hình lại mô hình làm việc của tổ chức với 3 tiêu chí là “Địa điểm – Quy trình – và Con người”, từ đó tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu đa dạng hơn cho cả nhân viên và khách hàng.
Vậy, trong quá trình định hình lại mô hình làm việc, đâu là khó khăn và thách thức nhất đối với các doanh nghiệp?
Hầu hết các doanh nghiệp đều nhìn nhận được 2 yếu tố là Địa Điểm và Quy trình, nhưng yếu tố Con người thì thường chưa được chú trọng và do đó đang là khó khăn và thách thức của hầu hết các doanh nghiệp trong việc triển khai thành công mô hình làm việc mới.
Do đó, trong mô hình làm việc kết hợp, các lãnh đạo cần phải xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ và thúc đẩy trải nghiệm cho nhân viên. Họ cần tăng cường trao đổi và kết nối thường xuyên hơn với nhân viên của mình. Sự trao đổi ở đây không đơn thuần dừng ở công việc, mà cần phải chủ động và cởi mở để lắng nghe nhân viên chia sẻ những mong muốn, khó khăn, thách thức của họ trong mô hình làm việc mới này để kịp thời điều chỉnh và cân bằng.
Theo bà, mức độ sẵn sàng chuyển dịch sang mô hình làm việc Hybrid Work của các doanh nghiệp Việt Nam là như thế nào? Bà có đánh giá hay nhận định gì không?
Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động và 71% các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam đang nhận ra sự thay đổi của nơi làm việc và có nhiều khả năng lập kế hoạch thiết kế lại không gian văn phòng để phù hợp với mô hình làm việc kết hợp.
Ngoài ra, 58% số người được khảo sát đang có kế hoạch chuyển đến một địa điểm mới, 46% người lao động và 52% người thuộc thế hệ Z cũng có thể cân nhắc thay đổi công ty trong năm nay. Điều đó cho thấy mọi người đã hiểu không cần phải rời bàn làm việc, nơi ở hoặc cộng đồng để mở rộng cơ hội nghề nghiệp của họ. Do đó, mức độ chuyển dịch sang mô hình làm việc kết hợp của các doanh nghiệp Việt Nam theo tôi là rất tích cực.
Được biết Microsoft vừa khai trương văn phòng làm việc theo mô hình hybrid work. Đây có phải là một trong những văn phòng thông minh nhất của Microsoft trên toàn cầu?
Được thiết kế và áp dụng theo mô hình làm việc kết hợp, văn phòng mới của Microsoft tài Hà Nội là một trong những văn phòng thông minh nhất của tập đoàn trên thế giới. Các phòng họp được trang bị đầy đủ các thiết bị tích hợp sẵn công cụ cộng tác Microsoft Teams để hỗ trợ các cuộc họp kết hợp trực tiếp và trực tuyến, từ màn hình LCD, bảng trắng điện tử, bảng trắng thường, camera, hệ thống âm thanh chất lượng cao, để mang lại những trải nghiệm chân thực nhất cho người họp.
Ngoài ra, văn phòng còn được trang bị các cảm biến nhận diện để thu thập dữ liệu, ví dụ như tần suất người ra vào, số lượng người họp trong một phòng, để từ đó phân tích và điều chỉnh cường độ ánh sáng, nhiệt độ phòng cho phù hợp và tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, văn phòng mới được thiết kế rất nhiều cây xanh thân thiện với môi trường cũng như các thiết bị công nghệ hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật. Hệ thống cửa mở tự động; thiết bị tai nghe không dây hỗ trợ người khiếm thính; hệ thống bàn làm việc với tính năng tự điều chỉnh độ cao phù hợp theo nhu cầu từ đó góp phần nâng cao sức khỏe của nhân viên.
Nguồn: https://cafef.vn/lam-viec-ket-hop-mo-hinh-tiep-can-nao-cho-cac-lanh-dao-doanh-nghiep-20220301165410946.chn