Doanh nghiệp phân bón lãi kỷ lục năm 2021
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón các loại trong 11 tháng đầu năm qua đạt hơn 1,2 triệu tấn, trị giá gần 459,3 triệu USD; lần lượt tăng 11,6% về khối lượng và 45,6% về kim ngạch xuất khẩu. Lượng phân bón xuất khẩu trong 11 tháng qua đã vượt qua kỷ lục xuất khẩu về lượng năm 2020 (1,16 triệu tấn). Phân bón xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm 42% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Tính chung cả năm, AgroMonitor dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Nhu cầu phân bón được dự báo tăng mạnh ở phân DAP, phân lân và NPK trong khi ure ổn định.
Nhờ nhu cầu cải thiện cùng diễn biến giá nguyên vật liệu và cước phí vận chuyển tăng cao, giá các mặt hàng phân bón cũng liên tục gia tăng. Tính đến đầu năm nay, giá phân ure các loại tăng khoảng 50-52% tùy loại so với cùng kỳ năm trước lên vùng 850.000 đồng/bao 50 kg. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo giá ure trung bình năm 2021 của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau thêm 12% lên khoảng 440 USD/tấn.
Bối cảnh thị trường thuận lợi đã giúp nhiều doanh nghiệp phân bón tiếp tục báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021, nổi bật là hai doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất kinh doanh phân ure Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau.
Cụ thể, Đạm Phú Mỹ ( HoSE: DPM ) ước tính tổng doanh thu lên đến 12.826 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 3.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và 324% so với năm 2020. Khoản lợi nhuận này xác lập mức kỷ lục của Đạm Phú Mỹ trong vòng 10 năm qua. Nhờ đó, công ty vượt 54% chỉ tiêu doanh thu và gấp 8,2 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Với kết quả khả quan trên, công ty điều chỉnh kế hoạch năm lên tổng doanh thu 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.251 tỷ đồng. So với kế hoạch mới, đơn vị vượt 7% chỉ tiêu doanh thu và 59% chỉ tiêu lợi nhuận.
Năm qua, sản lượng kinh doanh ước tính trên 1,26 tấn phân bón, hóa chất các loại. Trong đó, sản lượng Đạm Phú Mỹ ước giảm 10% về 740.700 tấn; còn NPK Phú Mỹ đạt gần 151.500 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020.
Tương tự, Đạm Cà Mau ( HoSE: DCM ) cũng ước đạt kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm 2021 với tổng doanh thu khoảng 10.011 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.823 tỷ; lần lượt tăng 30% và gấp 2,7 lần so với thực hiện năm 2020. Đơn vị cho biết đây là kết quả doanh thu, lợi nhuận cao nhất đạt được trong 10 năm hoạt động.
Vào cuối năm qua, doanh nghiệp phân bón này cũng tăng chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất từ 7.839 tỷ đồng lên 9.168 tỷ đồng (tăng 18%); lợi nhuận sau thuế từ 197 tỷ lên 867,5 tỷ đồng (gấp 4,4 lần). So với kế hoạch điều chỉnh, Đạm Cà Mau vượt 9% mục tiêu về doanh thu và vượt 110% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Đơn vị cho biết lợi nhuận khởi sắc xuất phát từ việc giá bán sản phẩm ure liên tục tăng thời gian qua, riêng quý III ghi nhận giá bán bình quân sản phẩm ure tăng hơn 64% so với cùng kỳ. Sản lượng sản xuất ước đạt gần 899.000 tấn ure, vượt 3% so với kế hoạch điều chỉnh. Sản lượng tiêu thụ gần 1.018.000 tấn, đạt 99% chỉ tiêu năm.
Các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng có doanh thu tăng mạnh trong năm qua như Đạm Ninh Bình (tăng 110,9%), Phân bón và Hóa chất Cần Thơ (tăng 52,3%), DAP số 2 – Vinachem (tăng 69,1%), Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (tăng 53,1%), DAP – Vinachem (tăng 55,1%), Phân bón Bình Điền (tăng 44%).
Một số đơn vị có lợi nhuận tăng cao so với thực hiện năm 2020 gồm Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (gấp 2 lần), Phân bón Miền Nam (tăng 12 lần), DAP-Vinachem (tăng 6,7 lần), Hóa chất Việt Trì (tăng 2 lần).
Triển vọng ngành phân bón năm nay
Mordor Intelligence phân tích ngành phân bón Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2026. Nam Phi và Hàn Quốc đang tích cực tìm kiếm những nhà cung ứng mới để đáp ứng nhu cầu trong nước, điều đó có thể giúp Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu phân bón.
Điển hình là trong tháng 11 năm qua, Hàn Quốc quyết định nhập khẩu 10.000 tấn ure từ Việt Nam. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc đạt 62.174 tấn, tương đương 38,35 triệu USD; tăng mạnh 208% về lượng và 1.059% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Chứng khoán KIS cũng thể hiện sự kỳ vọng Việt Nam có thể gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế khi Trung Quốc và Nga – hai trong số ba quốc gia xuất khẩu phân bón nhiều nhất thế giới – ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu phân bón vào cuối năm ngoái để ổn định nguồn cung trong nước và kiểm soát lạm phát. Động thái bất ngờ từ hai quốc gia này có thể làm gia tăng sức cạnh tranh của các công ty sản xuất phân bón Việt Nam.
Công ty chứng khoán cũng dự báo nhu cầu tích trữ lương thực tăng thời kỳ “hậu Covid” có thể được xem như một tín hiệu tích cực cho những công ty sản xuất phân bón nội địa do hai ngành ngày có mối quan hệ tương hộ với nhau.
Theo đó Chứng khoán KIS nhận định giá phân bón sẽ tiếp tục đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2022. Chuyên gia từ Agriseco cũng đồng quan điểm khi cho rằng giá phân bón sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong nửa đầu năm nay, qua đó hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón.
Xét riêng về phân ure, VCSC đưa ra dự báo giá toàn cầu trung bình đạt 625 USD/tấn trong năm nay, tương đương tăng 25% so với mức 500 USD/tấn năm ngoái. Yếu tố hỗ trợ nhận định này đến từ hiệu suất hoạt động của các nhà máy ure trên toàn cầu có khả năng thấp hơn do giá khí đốt liên tục ở mức cao, chi phí nhân công cao và chi phí tăng để tuân thủ các cam kết COP26. Ngoài ra, triển vọng nhu cầu năm nay cũng mạnh mẽ tại khu vực châu Á và châu Đại Dương (chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2018-2020). Gián đoạn nguồn cung do Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá phân bón tăng.
VSCS kỳ vọng giá ure tại Việt Nam sẽ biến động tương tự giá thế giới. Theo đó, công ty dự phóng giá bán ure trung bình năm nay cho Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau tăng khoảng 12% so với cùng kỳ lên 493 USD/tấn. Tại thời điểm đầu năm, giá phân ure đang hơn 700 USD/tấn.
Công ty chứng khoán này cũng đưa ra một số yếu tố không chắc chắn có thể khiến giá ure toàn cầu giảm sớm hơn dự kiến khi Nga có thể xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn sang châu Âu và các nước châu Âu có thể trợ giá khí đốt, điều này có thể giúp các nhà sản xuất ure tăng sản lượng; hay sự gián đoạn nguồn cung do Covid-19 và các biến thể có thể ít hơn dự kiến.
Chứng khoán KIS cũng đưa ra nhận định về rủi ro Chính phủ có thể can thiệp vào giá bán phân bón. Do gạo được xem như một mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu hụt lương thực “hậu covid”, do đó Chính phủ có thể ban hành những quy định buộc các công ty sản xuất phân bón hạ giá bán để hỗ trợ người nông dân. Trong bối cảnh đó, mặc dù có lợi thế về gia tăng sản lượng, lợi nhuận của các công ty sản xuất phân bón có thể không đạt kỳ vọng vì giá bán không hấp đẫn.
Nguồn: https://cafef.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-phan-bon-ra-sao-sau-nam-lai-ky-luc-20220117103649519.chn