Tiếp nối tương lai từ LA Auto Show 2021, VinFast đã tiến thêm bước mới với việc dừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022, tập trung hoàn toàn cho việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các dòng xe thuần điện.
Đây là quyết định bước ngoặt, đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe xăng đầu tiên trên thế giới chuyển hẳn sang thuần điện, khẳng định dấu ấn tiên phong, thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.
Để hiện thức hóa được tham vọng của mình, thời gian vừa qua, VinFast đã liên tục ‘rót’ tiền đầu tư vào nhiều startup trong hệ sinh thái xe điện, trong đó tập trung vào các công nghệ nền tảng như phần mềm, pin và bảo mật.
StoreDot
Đầu năm 2022, StoreDot, công ty tiên phong trong công nghệ pin sạc siêu nhanh (XFC) cho xe điện, đã hoàn tất vòng gọi vốn Series D đầu tiên trị giá 80 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư mang tính bước ngoặt này được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư chiến lược mang tầm cỡ quốc tế, khẳng định mối quan hệ đối tác của StoreDot trong hệ thống sinh thái pin ô tô toàn cầu.
Đáng chú ý, VinFast là nhà đầu tư hàng đầu dẫn dắt vòng gọi vốn này. Thông tin từ VinFast cho biết công ty đang mở rộng quy mô sản xuất và triển khai tính năng sạc siêu nhanh do StoreDot phát triển trong các kiến trúc xe điện tương lai của mình.
Số tiền huy động từ vòng Series D này sẽ được sử dụng để phục vụ cho việc hoàn thành nghiên cứu và phát triển của StoreDot về pin sạc siêu nhanh sử dụng cực âm Silicon chiếm tỷ trọng lớn dành cho xe điện, và tiếp tục phát triển công nghệ pin với mật độ năng lượng cực cao dựa trên công nghệ pin thể rắn để phục vụ cho các dự án phát triển trong tương lai.
Khoản huy động này cũng cho phép công ty bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động tại các địa điểm quan trọng trên toàn cầu, sẵn sàng cho việc sản xuất pin hàng loạt vào năm 2024.
Karamba Security
VinFast đã dẫn đầu một nhóm các nhà đầu tư gồm SVIC, YL ventures, Fontinalis Partners, Liberty Mutual, Presidio Ventures, Glenrock, Paladin Group và Asgent ‘rót’ vốn thêm 10 triệu USD cho công ty phần mềm bảo mật xe hơi Israel Karamba Security, nâng tổng số vốn đầu tư lên 27 triệu USD.
Nhóm nhà đầu tư đã ‘rót’ vốn do sự quan tâm và nhu cầu của thị trường dành cho lĩnh vực IoT và bảo mật cho xe ô tô. Khoản đầu tư dành cho việc phát triển sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh dành cho xe ô tô như UN R155 và ISO 21434 và pháp lệnh của Mỹ về Nâng cao độ An toàn An Ninh mạng Quốc gia.
Karamba Security là công ty cung cấp giải pháp bảo mật IoT dành cho xe hơi mà không cần làm gián đoạn khâu phát triển sản phẩm R&D hay chuỗi cung ứng. Bo mạch bảo mật IoT Karamba giúp nhà sản xuất OME, thiết bị IoT tuân thủ tiêu chuẩn công nghiệp mà không gây tốn kém kế hoạch phát triển sản phẩm hoặc thay đổi modun sử dụng.
Eatron
Vào tháng 11/2021, Eatron, một công ty cung cấp “phần mềm xe thông minh”, thông báo rằng họ đã huy động được 11 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tư Series A do MMC Ventures dẫn đầu, trong đó bao gồm cả Aster Capital và VinFast.
Theo đó, Eatron đã hợp tác với VinFast trong một số dự án nhằm tận dụng các giải pháp mà công ty khởi nghiệp này cung cấp trong các sản phẩm xe điện.
Eatron hiện có trụ sở tại Vương quốc Anh, với trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Các giải pháp phần mềm của công ty nhằm mục đích cải thiện hiệu suất, hiệu quả và độ an toàn của xe điện.
Autobrains
Autobrains, một trong những startup tiên phong phát triển công nghệ AI-tự-học hỗ trợ xe tự lái, đã huy động thành công 101 triệu USD vòng Series C, trong đó nhà đầu tư chủ lực là Temasek – quỹ đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Singapore.
Những nhà đầu tư mới góp mặt trong vòng này gồm có Knorr-Bremse AG – nhà sản xuất phanh cho xe đường sắt và xe thương mại của Đức và nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast. BMW – đối tác chiến lược dài hạn của Autobrains và Continental AG cũng góp mặt trong vòng này.
Autobrains (trước đây có tên gọi Cartica AI) là một công ty AI của Israel với sứ mệnh thay đổi hình ảnh của trí tuệ nhân tạo đối với công nghệ tự lái an toàn. Dựa vào hàng loạt các nghiên cứu và phát triển, công nghệ AI-tự-học (self-learning AI) không cần một lượng lớn các dữ liệu nhập vào cũng như thuật toán AI học sâu như các công nghệ hiện hành. Thay vào đó, hệ thống bản đồ, dữ liệu thời gian thực sẽ được “nén” lại để nhận diện các bối cảnh để đưa ra quyết định một cách trực tiếp.
Bằng cách giảm phụ thuộc vào dữ liệu, công nghệ của Autobrains yêu cầu ít hơn sức mạnh tính toán của máy tính, giúp giảm chi phí so với hệ thống AI dựa trên học sâu trên thị trường hiện tại.
AM Batteries
Vào tháng 9/2021, Am Batteries đã kết thúc vòng hạt giống với số tiền tài trợ 3 triệu USD, trong đó dẫn đầu hai nhà đầu tư TDK Ventures và Foothill. SAIC Capital (nhà sản xuất cấp I), VinFast (nhà sản xuất ô tô Việt Nam), Doral Energy-Tech Ventures (Công ty Năng lượng tái tạo Israel), Creative Ventures (công ty tài chính đến từ Thung lũng Silicon) cũng tham gia.
Trước đó, vào tháng 1/2020, những người sáng lập của Am Batteries đã nhận được khoản tài trợ 2,4 triệu USD cho nghiên cứu trong 3 năm bởi USABC.
Công nghệ cốt lõi của Am Batteries giúp chế tạo ra pin mà không cần sử dụng dung môi độc hại và làm khô điện cực, tiết kiệm đáng kể chi phí (giảm 40%) và tiêu thụ năng lượng (giảm 50%) so với công nghệ sử dụng dung môi thông thường.
Bên cạnh đó, pin khô cũng có khả năng tạo ra nguồn năng lượng cao hơn, sạc nhanh hơn đồng thời giảm chi phí sản xuất pin lithium-ion, ngoài ra còn ứng dụng cho việc chế tạo các loại điện cực pin khác. Am Batteries cho biết có thể đưa vào sản xuất hàng loạt công nghệ này, với sự đầu tư của VinFast và những công ty khác.
Calmcar Vision System
CalmCar, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thiên Tân chuyên phát triển hệ thống thị giác máy cho xe tự hành, đã huy động được 150 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C do nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Đức ZF Friedrichshafen AG dẫn đầu.
Vòng đàm phán đã thu hút một số nhà đầu tư khác bao gồm Dragonstone Capital Management, Great Filter Venture, OCI International và VinFast.
Các khoản tiền đầu tư mới sẽ được sử dụng để mở rộng sản xuất hàng loạt các sản phẩm phần mềm và phần cứng được sử dụng trong các phương tiện tự lái Cấp 2 đến Cấp 4.
Được thành lập vào năm 2016, CalmCar sử dụng trí thông minh nhân tạo để phát triển hệ thống thị giác máy để sử dụng trong các lĩnh vực như lái xe tự động, robot, giao thông thông minh và an ninh công cộng.
Hai sản phẩm chủ lực của hãng là hệ thống cảm biến 360 độ để phát hiện vật thể chuyển động, đèn giao thông và vạch làn xung quanh ô tô và hệ thống giám sát phát âm thanh cảnh báo khi người lái xe có dấu hiệu mệt mỏi, gọi điện thoại hoặc hút thuốc.
Nguồn: https://cafef.vn/nhung-startup-duoc-vinfast-rot-tien-tren-cuoc-dua-xe-dien-20220117101749143.chn