Theo thông tin Trung Nguyên Legend công bố, hơn 50% giao dịch thành công trong Lễ mở bán dự án Thành phố Cà phê đến từ các khách hàng từ các tỉnh thành Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, các tỉnh miền Tây Nam Bộ…
Lợi thế hạ tầng từ thủ phủ nông sản tỷ USD
Trong hơn 2 năm đại dịch covid-19 diễn ra, nhiều ngành kinh tế trên thế giới gần như bị đóng băng, tăng trưởng âm thì riêng xuất khẩu nông sản tại Việt Nam lại tiếp tục lập các kỷ lục mới, với giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD năm 2020 và 48,6 tỷ USD năm 2021.
Một trong những mặt hàng nông sản có đóng góp hàng tỷ đô la mỗi năm nhờ xuất khẩu chính là cà phê – nơi Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk là thủ phủ cà phê, được mệnh danh “thủ phủ nông sản tỷ USD”. Theo tổ chức lương nông quốc tế FAO, giá lương thực trên thế giới đầu năm 2022 đang ở mức cao nhất trong 61 năm qua và có xu thế tiếp tục tăng.
Với những lợi thế ấy, Buôn Ma Thuột được Chính phủ định hướng để xây dựng và phát triển thành thành phố cà phê thế giới; được ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các dự án quốc gia đang được chuẩn bị triển khai như tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa (2021-2025), tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Vân Phong (2020-2030), nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột trở thành cảng hàng không quốc tế…
“Khi hạ tầng giao thông kết nối được triển khai hoàn thiện, từ Buôn Ma Thuột, chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để kết nối bằng đường bộ từ các thành phố Nha Trang, Pleiku, Đà Lạt…; 35 phút di chuyển bằng đường hàng không từ TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…“, thông báo từ Trung Nguyên Legend cho biết.
‘Đô thị chữa lành’ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Vườn Zen – một trong nhiều tiện ích trong đô thị chữa lành của Trung Nguyên.
Thành phố Cà phê, dự án do Tập đoàn Trung Nguyên Legend đầu tư xây dựng có quy mô 45,45 ha, với tầm nhìn đưa Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu, đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến của hơn 2,5 tỷ người yêu và đam mê cà phê trên toàn thế giới. Chính thức giới thiệu và mở bán vào đầu năm 2021, dự án đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, với mức giá được cho là từ 10 tỷ đồng/căn.
Dù là nhà phát triển bất động sản mới, doanh nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang đi theo xu thế thị trường bất động sản sức khỏe, bảo vệ và làm giàu Thân – Tâm – Trí toàn diện, với mục tiêu trở thành đô thị chữa lành – thành phố bản sắc đầu tiên tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình Vhome Expo và chương trình tọa đàm Kiến trúc chữa lành – Xu hướng mới trong phát triển đô thị, Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: “Thước đo của quy hoạch đô thị hiện đại, bền vững là lấy con người làm trung tâm, đảm bảo chất lượng đời sống của cư dân trong khu đô thị và chất lượng môi trường, tự nhiên xung quanh“.
Dự án Thành phố Cà phê có quy mô 45,45ha, mật độ xây dựng 27%, được khởi công đầu năm 2017. Được định hướng dựa trên triết lý kiến trúc chữa lành, trong hơn 3 năm, nơi đây đã hoàn thiện nhiều tiện ích trong hạ tầng văn hóa như: Bảo tàng Thế giới Cà phê (11/20218), vườn Zen (1/2021), tổ hợp tiện ích Gym – Yoga – Bắn cung (4/2021).
Trước đó Trung Nguyên cho biết, dự kiến trong năm 2021-2022, sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án và tiếp tục đầu tư xây dựng các tiện ích: khu tập cưỡi ngựa Ả Rập; golf; tổ hợp tiện ích giáo dục (trường mầm non và trường tiểu học).
Nguồn: https://cafef.vn/ong-dang-le-nguyen-vu-ban-nha-chua-lanh-o-dak-lak-gia-tu-10-ty-dong-can-nguoi-ha-noi-va-sai-gon-vao-mua-nuom-nuop-202203071310359.chn