Tôi đã gửi lời đề nghị cho ông Lã Giang Trung trước đó nhưng bị từ chối, đến lần thứ 2, ông Trung đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình, những góc khuất của ngành quản lý tài sản với 2 lần phải “xoá bài làm lại”, trong đó lần “sập gầm” thứ 2 vào năm 2018 khiến CEO Passion Investment có lúc gục ngã và muốn từ bỏ.
Ông có thể chia sẻ về quá trình thành lập Passion Investment?
Tôi tốt nghiệp Kinh tế quốc dân ngành Tài chính ngân hàng, sau đó sang Australia học Master. Năm 2006, một người anh ở Việt Nam rủ tôi về làm việc tại Chứng khoán Sacombank (SBS). Sau cú sập thị trường năm 2007 tôi rời SBS sang làm 1-2 CTCK khác. Sau đó tôi về Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF) từ năm 2008 đến cuối năm 2015 phụ trách mảng đầu tư cổ phiếu.
Tôi trở thành CFA Charter Holder vào năm 2009, nghiên cứu rất nhiều để ứng dụng vào quá trình đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng môi trường ở BVF lúc đó không còn phù hợp để mình làm theo những gì mong muốn, và tôi quyết định ra ngoài để được làm theo phương pháp đầu tư mà mình nghĩ là đúng. Năm 2015, tôi thành lập Passion Investment (PI).
Khi bắt đầu PI, trong tay tôi lúc đó có khoảng 2 tỷ đồng, hồi đó tính nhẩm là đủ chi phí cho công ty hoạt động khoảng 3 năm. Thực ra khách hàng của BVF đa phần là khách hàng tổ chức, network khách hàng cá nhân của tôi rất ít. Tôi đã đi ra ngoài gặp bạn bè, sau đó có những khách hàng đầu tiên, có người đầu tư vốn ban đầu rất ít, khoảng 10-20 triệu đồng, sau đó top up (bỏ thêm) vào dần dần, người này giới thiệu người kia.
Vậy chính xác PI hoạt động theo mô hình gì?
PI hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, một công ty bình thường, định hướng của PI muốn hướng tới làm theo kiểu hedge fund như trên thế giới. Các quỹ hiện nay thiên về mutual fund, nghĩa là quản lý số tiền lớn và số lượng khách hàng lớn, so sánh hiệu quả với benchmark là một chỉ số nào đó, còn hedge fund không quan tâm thị trường thế nào mà chỉ cần kiếm được lợi nhuận cho khách hàng. Chúng tôi hoạt động theo công ty bình thường nên cách làm đầu tư sẽ khác, công ty quản lý quỹ họ có nhiều hạn chế.
Tỷ suất lợi nhuận của PI trong 3 năm qua là 70-90%/năm, ông có thể chia sẻ về thành công này không, PI sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư như thế nào?
Phương pháp tiếp cận của PI thay đổi theo 2 giai đoạn: trước và sau năm 2018. Trước 2018 PI tập trung nhiều vào nghiên cứu, lựa chọn cổ phiếu và bỏ qua yếu tố thị trường. Giai đoạn đó, tỷ suất lợi nhuận cao là nhờ chúng tôi lựa chọn cổ phiếu tốt, upside lớn và không đa dạng hoá nhiều. Nếu đa dạng hoá nhiều quá thì return (tỷ suất lợi nhuận) chỉ bằng thị trường, chúng tôi tin vào những cái bet (dự đoán) của mình.
Sau 2018 chúng tôi rút ra được kinh nghiệm là yếu tố thị trường tác động rất lớn, một số cổ phiếu nếu tôi nắm giữ từ đỉnh 2018 đến giờ vẫn tăng trưởng tốt nhưng khách hàng không chịu được biến động lớn như vậy. Sau năm 2018, chúng tôi đa dạng danh mục tốt hơn, bet bé hơn, tập trung quản trị rủi ro nhiều hơn và nhận thấy cần phải dành nguồn lực cho việc nghiên cứu market (thị trường).
Thất bại của năm 2018 đã đem lại kinh nghiệm rất tốt cho năm 2020. Giai đoạn thị trường giảm gần 35% từ đầu 2020 đến cuối tháng 3/2020, lúc tệ nhất PI chỉ lỗ 10% so với đầu năm. Kinh nghiệm 2018 tạo cho tôi cái linh cảm có rủi ro và đứng ngoài thị trường lúc đó. Trước lúc thị trường giảm mạnh, chúng tôi đã giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống còn khoảng 20%, nhưng danh mục vẫn lỗ 10%, nếu giữ lại tỷ trọng 100% cổ phiếu cho danh mục trong một thị trường giảm mạnh như vậy thì rất khủng khiếp.
Sau này, phương pháp đầu tư của PI thay đổi, thay vì quyết định dựa trên linh cảm từ những kinh nghiệm lâu năm trong nghề đầu tư, chúng tôi xây dựng hệ thống nhằm dự báo các biến động giảm trên 10% của thị trường và tiếp tục tập trung lựa chọn cổ phiếu và big bet. Hiệu quả của đầu tư cao hơn, nếu nhận định trend tốt kết hợp với lựa chọn cổ phiếu tốt thì return rất cao.
Quay lại câu chuyện của năm 2018, khi đó PI big bet vào một cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu đó giảm mạnh. Thị trường khi đó đã dùng lời lẽ khá nặng nề với PI, cảm giác lúc đó của ông như thế nào?
Thực ra mà nói thị trường nói gì tôi không biết lắm đâu, tôi ít đọc báo (cười). Khách hàng thì có. Họ mất tiền. Xuất phát điểm của các công ty như PI hoặc hedge fund thì khách hàng đầu tiên là họ hàng, bạn bè, bạn bè của họ hàng, bạn bè của bạn bè …rất nhiều áp lực ở đấy. Năm đó danh mục PI lỗ 16% từ đầu năm nhưng một số khách hàng vào sau họ mất nhiều, khoảng 30-40%.
Có mấy vấn đề mình phải thay đổi khi quản lý tiền khách hàng, đó là khách hàng không chịu được biến động lớn. Thị trường chứng khoán biến động 20% là rất bình thường nhưng khách hàng không chịu được.
Ngoài ra tại thời điểm đấy Passion bị áp lực về tài chính rất lớn. Hồi đó tôi có cam kết bao lỗ cho một số khách hàng lựa chọn phương án đầu tư không lỗ, và chúng tôi thực hiện hết cam kết.
Nếu ông cam kết bao lỗ cho khách hàng thì tại sao họ lại áp lực?
Có một số khách hàng không chọn cam kết và họ lỗ, nhưng khách hàng có cam kết họ cũng áp lực vì họ sợ không nhận được cam kết đó. PI và cá nhân tôi phải bù lỗ cho khách hàng khoảng 4-5 triệu USD (hơn 100 tỷ đồng) thời điểm đó.
Trước đó ông đã bao giờ cháy tài khoản chưa?
Cuộc đời tôi có 2 lần phải làm lại từ đầu. Thời gian đầu mới đầu tư, tôi mua cổ phiếu hàng lái là nhiều, mấy deal M&A, cổ phiếu giảm không nhiều nhưng không exit (thoát hàng) được. Riêng lãi vay cuốn 3 năm thì bay hết vốn.
Sau đó tôi thay đổi phương pháp đầu tư. Năm 2016 khi ra làm Passion Investment, tôi kiếm được 1 triệu USD từ đầu tư cá nhân, năm 2018 lỗ phần đầu tư cá nhân không nhiều nhưng tất cả tiền mình tích luỹ từ đầu tư cá nhân trong những năm mình làm tốt thì phải trả hết thay cho công ty.
Giai đoạn đó ông có muốn đầu hàng và muốn rời thì trường này không?
Có, rất khủng khiếp!
Trong vòng mấy tháng tôi sụt mất 7 ký, rất chán nản, rất nhiều áp lực từ phía khách hàng. Thời điểm đó mình mất về mặt tài chính rất nhiều. Năm 2016 tôi đã bán nhà để lấy vốn làm ăn, khi mình kiếm được tiền rồi mình chưa mua bán nhà cửa gì cả thì mình phải trả tiền bù lỗ hết cho khách hàng. Lúc đó mình mới ngỡ ngàng nhận ra là mình không còn gì trong tay.
Sau 2 lần mất trắng thì mình nhận ra rằng trong mô hình kinh doanh của mình có một lỗ hổng rất lớn mà mình không biết.
PI có một partner nhỏ nhưng họ rút đi, phần bao lỗ cho khách hàng công ty trả một phần từ lợi nhuận giữ lại, còn lại thì tôi trả bằng tiền cá nhân, kha khá. Có lúc tôi đã nghĩ là hay mình không phù hợp đầu tư.
Ông đã làm lại như thế nào?
Năm 2018-2019 sau khi trả hết tiền cho khách hàng xong rồi, tôi bình tâm trở lại và tập trung đầu tư.
Thực ra lúc đó không còn tiền nhưng có một số khách hàng cho trả góp, đấy là vốn tôi còn cầm lại được, nhờ đó tôi có vốn để làm lại 2019, 2020, 2021. Ngoài ra, còn khá nhiều khách hàng vẫn tin tưởng để lại tiền để PI tiếp tục quản lý, tuy số vốn quản lý lúc đó không nhiều nhưng đó là cơ sở để PI tiếp tục con đường của mình. Và tính đến giờ thì tất cả các khách hàng đó đều lãi rất nhiều.
Sau biến cố đó đội ngũ nghỉ hết, chỉ còn lại 1-2 người, tôi phải xây dựng đội ngũ lại từ đầu. Tài chính không có, nhân sự cũng không. Mình đã nghĩ là mình không còn đường để đi. Nhưng nghĩ lại, trong bất kỳ ngành kinh doanh nào cũng khó khăn, nếu mình chỉ làm vì tiền thì lúc đấy có thể mình sẽ buông bỏ nhưng đầu tư là con đường duy nhất, là sự nghiệp, là tình yêu của mình nên mình cố gắng.
Giờ ông đã làm lại được hết đống lỗ chưa?
Hơn rồi.
Thương vụ “ăn to” nhất trong quá trình giao dịch của ông là cổ phiếu nào?
Nếu tính về số tuyệt đối thì càng gần đây càng to vì tiền nhiều mà (cười). Còn tính theo phần trăm chắc là MWG. Trong năm 2016 tôi chỉ đầu tư MWG và PNJ, năm đó tài khoản của cá nhân tôi tăng gấp 10 lần, cao nhất cho đến giờ.
MWG là cổ phiếu khá may mắn với tôi, tôi đầu tư từ 2016 đến cuối 2017 bán hết ở đỉnh, đến 2019 thị trường khó khăn quay lại mua, bán hết đầu 2020 cũng gần đỉnh, 2020 quay lại mua lần nào cũng lãi hết. Tôi rất thích cổ phiếu đấy.
Ông có cảm thấy concept của Passion Investment hiếu thắng quá không, các mutural fund chỉ cần vượt chỉ số tham chiếu là hoàn thành nhiệm vụ, và sau đó họ sẽ đánh rất an toàn. Nhưng PI luôn hướng đến tỷ suất lợi nhuận cao nhất?
Đó là do cấu trúc, bản chất mutual fund thu phí trên tổng tài sản quản lý, đâu đó 1-2%, không đặt nặng perfomance vì họ không thu bonus fee (phần lợi nhuận vượt mục tiêu đặt ra ban đầu). Còn PI không thu phí quản lý mà lấy bonus fee, khách hàng có lãi thì công ty mới có nguồn thu.
Ví dụ, mutual fund họ thu phí 2% trên tổng tài sản, còn với PI, khách hàng có lãi 12% thì PI mới thu được 2%, do đó return của PI yêu cầu cao hơn.
Ở thị trường VN khách hàng họ có kỳ vọng lợi nhuận rất cao. Hồi xưa lãi suất tiền gửi ngân hàng 8-10%/năm thì đầu tư cổ phiếu họ kỳ vọng cao lắm. Hồi đầu tôi làm 15-20%/năm là hợp lý nhưng sau đó tìm cách tăng dần lên khi năng lực mình giỏi lên. Khách hàng thu về 20% thì họ cảm thấy ổn, 30% thì vui, PI phải làm được 40-50% do đó mục tiêu lợi nhuận của PI cao hơn hẳn.
Ở PI chúng tôi cố gắng tạo ra văn hóa có tính chiến đấu cao để tất cả đội ngũ đầu tư hướng tới một mục tiêu đạt lợi nhuận cao và vượt trội thị trường cho khách hàng. Tỷ suất lợi nhuận cao giống như mục tiêu thi đấu vậy, làm được rất vui, chúng tôi vui và các khách hàng cũng vui. Có những khách hàng đi với PI từ đầu và tới giờ vẫn chưa rút tiền, người đầu tư ít vài chục triệu thì giờ lãi và gốc lên gần 1 tỷ đồng, có người đầu tư nhiều hơn khoảng 300-400 triệu thì giờ cũng lên 4 – 5 tỷ đồng.
Trong 2 năm vừa rồi thị trường rất thuận, có một số người người nhắm mắt đánh cũng thắng, những lúc thị trường không thuận thì sao? Ông kiểm soát tỷ suất đầu tư như thế nào cho hợp lý?
Trước 2018 phong cách của tôi là tấn công, sau đó tôi học được là trong đầu tư phòng thủ quan trọng hơn, vì nếu bạn phòng thủ tốt tránh được những đợt lỗ thì return sau đó tăng rất mạnh. Chúng tôi có nghiên cứu, về cơ bản tất cả thị trường chứng khoán về dài hạn là uptrend, nhưng đâu đó sẽ có những lúc thị trường điều chỉnh và có giai đoạn sụp đổ, những cái đấy có tính chu kỳ của nó.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong chu kỳ đầu tư 7-10 năm sẽ có cú sụp mạnh (crash) thị trường giảm 40-50%, tránh được thì return tăng rất mạnh. Nếu nắm giữ cổ phiếu đi qua những đợt sụt giảm và bị lỗ mất 50% thì sang năm bạn phải tăng gấp đôi NAV mới về như cũ.
Trong giai đoạn thị trường đi lên sẽ có những cú điều chỉnh nhỏ hơn, đến mức 20% cũng có nhưng nó lại ngắn, như giai đoạn từ tháng 4/2020 đến giờ thị trường có 3 đợt điều chỉnh ít nhất 13% nhiều 17%.
Chúng tôi đặt kỳ vọng sẽ tránh một phần của những cú giảm đấy, không tránh toàn bộ, có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống khoảng 70-80% ở những cú điều chỉnh nhỏ còn crash thì giảm tỷ trọng cổ phiếu còn 20% hoặc về hẳn 0% như đầu năm 2020
Tránh được đợt sụt giảm mạnh của thị trường giải quyết được nhiều vấn đề, (i) đẩy return lên rất cao, (ii) làm khách hàng đỡ mệt mỏi hơn, (iii) sau những cú giảm đấy định giá thị trường tốt hơn, lựa chọn cổ phiếu tốt hơn, tôi tin rằng PI là một trong những đội lựa chọn cổ phiếu tốt nhất thị trường, và cuối cùng đừng chọn cổ phiếu lởm.
Ngành quản lý tài sản rất bạc, lúc kiếm được tiền cho khách hàng thì rất vui vẻ, khi sảy chân thì khách hàng la ó đòi rút tiền, ông sẽ làm thế nào để sống sót được trên thị trường này?
Trước kia tôi nghĩ về việc thu hút khách hàng, quản lý tài sản nhiều hơn… Sau này tôi nhận ra rằng ngành quản lý tài sản, nếu bạn kiếm được tiền thì khách hàng rất vui rất thân thiết, lúc mất tiền ai cũng thế thôi, không ai chịu được cả.
Tôi biết điều đó và mục tiêu số một của tôi là kiếm được tiền cho khách hàng, không được mất tiền bất kỳ năm nào, sau đó mới tính các phương án khác. Tất nhiên đầu tư khó nói, trong đầu tư có câu “Chỉ cần bạn không mất tiền, lợi nhuận tự đến”. Ngành quản lý quỹ và đầu tư chứng khoán cũng thế, nếu tâm niệm không mất tiền đặt lên hàng đầu thì bạn sẽ sống sót rất tốt, bỏ qua thì sẽ rất nguy hiểm.
Ở thời điểm này ông thấy TTCK Việt Nam đắt chưa?
Có mấy góc nhìn: khung thời gian và định giá. Nếu tính chu kỳ, thì tháng 2/2009 là đáy của khủng hoảng kinh tế lần trước, tháng 3/2020 là đáy chu kỳ lần này, như vậy thị trường mới được 1/3 chu kỳ, mới ở cuối early cycle, sau đó còn midle cycle, late cycle sau đó mới sụp đổ. Như vậy chu kỳ về mặt thời gian là còn rất dài.
Về định giá, đơn giản nhất là nhìn vào PE, 16-17 lần, đang cao hơn mức bình quân 15% nhưng nhìn lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ tăng trong các năm sau thì PE sẽ giảm.
Bên cạnh đó, giai đoạn trước lãi suất tiền gửi rất cao, còn giờ chỉ 5-6%/năm, so sánh tương đối bây giờ sẽ rẻ hơn giai đoạn trước nếu so sánh cùng PE, thị trường giờ không đắt nhưng cũng không rẻ.
Ông kỳ vọng thị trường thời gian tới như thế nào?
Trong đầu tư tôi thấy có 2 giai đoạn thị trường tăng trưởng rất mạnh. Giai đoạn đầu tiên là từ đáy đi lên sau khủng hoảng như thời điểm tháng 2/2009 và tháng 3/2020 và giai đoạn 2 là cuối chu kỳ kinh tế khi sắp khủng hoảng như giai đoạn cuối 2006 và gần đây là cuối 2017. Còn giai đoạn giữa thì thị trường tăng rất chậm.
Tôi cho rằng thị trường đã đi qua giai đoạn tăng bùng nổ từ đáy lên rồi nên index sẽ không tăng những cú khủng khiếp nữa, mức tăng sẽ bằng mức tăng bình quân lợi nhuận các doanh nghiệp thôi, khoảng 10-15% các năm tới và tiếp diễn trước khi có một cú boom rất mạnh của TTCK khoảng 40-50% trước khi đến giai đoạn sụp đổ. Chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện mô hình để tránh được những cú sụp đổ đó.
Covid xảy ra khiến nhiều người phải “xoá bài làm lại”, nhưng nhiều nhà đầu tư lại thắng lớn trên TTCK, theo ông là vì sao?
Nếu nhìn bức tranh rộng hơn, khi nhìn vào tăng trưởng kinh tế thế giới và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bình quân GDP thế giới tăng trưởng dương khoảng 2-3%, bình quân GDP Việt Nam tăng 5-7% nghĩa là tổng của cải vật chất xã hội trên thế giới và tại Việt Nam năm sau cao hơn năm trước. Nhưng tại sao có những giai đoạn có một biến cố xảy ra, mọi người thấy cuộc sống rất khó khăn, nghĩa là có một số ít người giàu lên rất nhiều.
Khủng hoảng là giai đoạn phân chia lại tài sản trong xã hội. Nó không chỉ ở cổ phiếu mà ở tài sản rủi ro như bất động sản. Khi các NHTW bơm tiền, lạm phát tăng đánh vào người không có tài sản và chuyển dịch nguồn lực vào tài sản rủi ro. Mình cần tìm hiểu quy luật vận động và biết giai đoạn bơm tiền nên chuyển vào tài sản rủi ro.
Ông nhìn nhận làn sóng F0 vào thị trường trong 2 năm rồi như thế nào, và ông tận dụng như thế nào để thu hút khách hàng?
Tiền vào thị trường có 2 lý do: tổng cung tiền bơm ra tăng chảy vào chứng khoán, thứ 2 là có khá nhiều người dịch chuyển tài sản sang kênh chứng khoán vì chứng khoán giờ phổ biến hơn. Xu hướng trong tương lai là khi thu nhập của người dân tăng lên thì nhu cầu đầu tư sẽ lớn dần và quy mô TTCK tăng lên rất nhanh.
Có nhiều người đầu tư rất giỏi nhưng mãi không có nhiều tiền, bởi lợi nhuận kiếm được từ khoản đầu tư không đủ trang trải được chi phí. Giả sử bạn có 1 tỷ, bạn làm được 50%/năm, 500 triệu bạn tiêu hết sang năm vẫn chỉ có 1 tỷ để đầu tư, 10 năm vẫn 1 tỷ. Chỉ khi cái kiếm từ đầu tư vượt qua ngưỡng thu nhập tiêu dùng thì tiền lãi được tái đầu tư liên tục mới có thể giàu được. Nếu đầu tư và tái đầu tư toàn bộ và bạn kiếm được 50%/năm thì 5 năm gấp 8 lần vốn và 10 năm gấp 60 lần. Nếu có 1 tỷ đầu tư thì 10 năm đã có 60 tỷ rồi. Trong 6 năm vừa qua PI đã đạt được tỷ suất bình quân 50%/năm cho khách hàng, và nếu khách hàng để nguyên nguồn vốn đó thì sau 5 – 10 năm nữa sẽ là số tiền rất lớn.
Tôi thấy rằng, mọi người mới đầu tư chứng khoán thường rất thích tự đầu tư, đa phần khách hàng của PI là những người không biết nhiều về chứng khoán hoặc là những người đã từng đầu tư chứng khoán và cảm thấy đầu tư không dễ. Có thể tương lai những nhà đầu tư mới họ thấy đầu tư rất khó thì sẽ tìm đến những người quản lý như chúng tôi.
Nếu có một lời khuyên cho nhà đầu tư thì ông sẽ nói gì?
TTCK là nơi làm giàu chậm và là nơi mất tiền nhanh, NĐT muốn tồn tại thì chấp nhận TTCK là nơi kiếm tiền chậm, bền vững, ổn định.
Nguồn: https://cafef.vn/ceo-passion-investment-phong-cach-dau-tu-big-bet-da-co-luc-phai-tra-tien-bao-lo-cho-khach-hang-hon-100-ty-dong-cho-den-ty-suat-loi-nhuan-80-nam-2021-20211111144050473.chn