Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các DN thuỷ sản đang gặp bất cập lớn trong thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, cùng một hệ thống kiểm tra chuyên ngành nhưng quy định kiểm tra đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu và hàng nhập khẩu lại khác nhau, khiến hoạt động của DN gặp không ít khó khăn.
Theo ông Hoè, đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu, việc kiểm tra được áp dụng theo quy định “an toàn thực phẩm” (trừ một số sản phẩm tươi sống liên quan đến tôm, cá sang thị trường Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc….). Ngược lại, hàng nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm chế biến đông lạnh, thực phẩm và được sử dụng làm nguồn nguyên liệu cho hàng xuất khẩu đều phải “kiểm dịch” hoặc đồng thời “kiểm dịch và “kiểm tra an toàn thực phẩm”.
Chỉ tính thời gian tối thiểu để làm thủ tục kiểm dịch theo quy định là 2 ngày/lô, mỗi năm DN phải dành gần 135.000 ngày để làm hồ sơ kiểm dịch, và chỉ riêng việc lưu kho đã tốn hơn 224 tỷ đồng.
“Theo Nghị định 15/2018 về an toàn thực phẩm, nhóm hàng này được miễn kiểm tra. Thế nhưng các thông tư của Bộ NN&PTNT lại đưa nhóm hàng này vào danh mục kiểm dịch. Hiện 100% lô hàng, với 308 dòng sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu về đều bị kiểm tra hồ sơ và cảm quan, có giấy của thú y mới được thông quan”, ông Hoè nói.
Ông Hoè cho biết, mỗi năm chỉ riêng tờ khai “kiểm dịch” hàng thuỷ sản của Bộ NN&PTNT đã lớn hơn tổng số tờ khai kiểm tra “an toàn thực phẩm” và “chất lượng” của 13 bộ, ngành cộng lại. Đáng chú ý, sau hơn 10 năm thực hiện, theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ vi phạm quy định về kiểm dịch của các lô hàng nhập khẩu rất nhỏ (chỉ 0,0012 – 0,0033%). Đến nay, cũng chưa có bằng chứng khoa học nào về nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ các sản phẩm thủy sản nhập khẩu đông lạnh sang thủy sản sống ở trong nước.
Theo ông Hoè, trong 9 tháng đầu năm 2021, có khoảng 50.533 lô hàng thuỷ sản nhập khẩu về Việt Nam. Chỉ tính thời gian tối thiểu để làm thủ tục kiểm dịch theo quy định là 2 ngày/lô, mỗi năm DN phải dành gần 135.000 ngày để làm hồ sơ kiểm dịch, và chỉ riêng việc lưu kho đã tốn hơn 224 tỷ đồng; chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh khác.
“Hiện có trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam (hơn 85% là chế biến đông lạnh) cũng chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm, nhưng Việt Nam lại đặt tên là kiểm dịch. Đã đến lúc Bộ NN&PTNT cần xem xét lại bản chất của hoạt động kiểm tra và quản lý rủi ro cho hoạt động này”, ông Hoè nói.
Sẽ sửa đổi sớm nhất?
Trả lời về các phản ánh của các DN thuỷ sản, đại diện Cục Thú y cho biết, đối với sản phẩm động vật thủy sản từ Việt Nam xuất khẩu, các nước nhập khẩu cũng kiểm dịch rất chặt. Vừa qua, Cục Thú y tham mưu cho Bộ NN&PTNT cắt giảm 160 mã hàng hoá thuộc diện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, đồng thời không kiểm dịch nhập khẩu với sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến chín, đóng bao kín khí, sử dụng để ăn ngay.
Ngoài ra, đối với tần suất lấy mẫu, hiện tại, Cục Thú y kiểm tra theo nguyên tắc phân loại sản phẩm, trên cơ sở mức độ nguy cơ rủi ro đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu. Với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến), cứ 5 lô hàng sẽ lấy mẫu 1 lô hàng để kiểm tra (cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu kiểm tra).
Chúng tôi đang rà soát các thông tư trên tinh thần cắt giảm các thủ tục, không có chuyện mở rộng danh mục hàng thủy sản phải kiểm dịch như một số doanh nghiệp phản ánh”, đại diện Cục Thú y nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Thú y, Tổng cục Thuỷ sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và các đơn vị của bộ, tiếp nhận những ý kiến của DN; đồng thời sẽ có văn bản báo lên Thủ tướng về vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: https://cafef.vn/quy-dinh-kiem-dich-vo-ly-doanh-nghiep-ton-tram-ty-nam-20220117093553706.chn