Ông Đỗ Anh Việt là một trong những giám đốc tư vấn đầu tư hàng đầu tại công ty chứng khoán VPS – công ty có thị phần môi giới lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trước đó, ít ai biết rằng ông Việt từng cháy tài khoản, mất hết tất cả, thậm chí mang khoản nợ lên tới 1 triệu USD ở tuổi 30 chỉ vì cơn say chứng khoán.
Thông qua việc chia sẻ câu chuyện thất bại và quá trình vượt qua cám dỗ trên TTCK của mình, ông Việt hi vọng rằng có thể giúp các nhà đầu tư mới trên thị trường rút ra bài học nào đó để tránh khỏi những rủi ro trong quá trình đầu tư.
Ông chia sẻ trên trang cá nhân về câu chuyện đã mất 1 triệu USD ở tuổi 30 và phải làm lại từ đầu, câu chuyện đó diễn ra như thế nào?
Tôi theo học tại đại học York ở Canada chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng niềm đam mê của tôi lại là thị trường chứng khoán. Tôi đã nghiên cứu chứng khoán từ rất sớm, khi còn ở nước ngoài.
Năm 2009 về nước tôi vào làm việc cho một CTCK. Khi đó CTCK này đang ở thời kỳ hưng thịnh và đứng ở vị trí số 1 thị phần về môi giới cổ phiếu. Thời điểm đó cũng khá giống với bây giờ khi thị trường vừa trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng và Chính phủ phải có những gói kích thích kinh tế lớn để hỗ trợ nền kinh tế. Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng vượt bậc và giúp nhiều người giàu lên nhanh chóng.
Thời điểm đó, người người nhà nhà mua cổ phiếu đều thắng, cổ phiếu tăng theo dòng, tăng theo bảng tên chữ cái, thậm chí công ty ra báo cáo kinh doanh lỗ thì giá cổ phiếu vẫn tăng, còn cổ phiếu tốt thật sự thì giá lại không tăng. Dần dần tôi đã bước vào con đường đầu cơ theo đội lái mà quên đi những nguyên lý cơ bản nhất trong đầu tư chứng khoán.
Lúc đó, hầu như mua cổ phiếu nào tôi mua cũng có lời, thậm chí lời to. Có lời nhiều, tôi suy nghĩ rất đơn giản, mua cổ phiếu làm cổ đông lớn của một công ty rồi sau đó hàng năm cứ đánh lên, đánh xuống theo sóng là bền vững nhất, không bao giờ sợ thua lỗ nữa. Tôi mơ ước năm 30 tuổi sẽ có được 1 triệu USD đầu tiên và đã sắp đạt được cột mốc này.
Trong sâu thẳm mỗi người, ai cũng sẽ có lòng tham nhất định. Khi những cơn sóng thần trên TTCK có thể khiến người ta giàu quá nhanh, việc kiểm soát lòng tham là điều cực kì khó và không phải ai cũng đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để giữ được thành quả.
Cú sập của thị trường năm 2009 không giết chết tôi mà pha thị trường mất thanh khoản năm 2011 đã hoàn toàn hạ gục tôi. Khi đó thanh khoản toàn thị trường hàng ngày chỉ đạt khoảng 200 tỷ đồng, không lớn như bây giờ. Lúc đó tôi đang sở hữu gần 20% cổ phần của một công ty có miếng đất rất to và giá trị, thì công ty chứng khoán ngưng cấp margin và yêu cầu tôi trả nợ.
Trong điều kiện thị trường chứng khoán không thanh khoản thì việc ngưng margin đột ngột không khác nào bạn đi trên máy bay và nghe tin động cơ máy bay hỏng.
Tôi đứng giữa hai lựa chọn: chuyển cổ phiếu qua một công ty khác và đánh lên, chờ ngày bán cho một nhóm nhà đầu tư non trẻ thiếu kinh nghiệm nào đó; hoặc lì lợm nắm giữ mong chờ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Không muốn mất uy tín cá nhân trong thị trường tài chính quá nhỏ bé, tôi quyết tâm giữ số cổ phiếu này và dồn mọi tài sản mà mình có được lúc bấy giờ để chống chọi hòng vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Và điều gì đến cũng đã đến.
Tài khoản của tôi bốc hơi nhanh chóng, có lúc chỉ còn 1/10 giá trị ban đầu, giá trị tổng tài sản (NAV) xuống thấp hơn nhiều tổng số nợ. Kết quả, năm 30 tuổi thay vì giấc mộng tích lũy được 1 triệu USD đầu tiên thì tôi đã có số nợ lên đến 1 triệu USD.
Giai đoạn đó ông cảm thấy thế nào?
Giai đoạn đó tôi thực sự bế tắc. Do chán nản, mệt mỏi và cũng chưa lập gia đình nên tôi ngồi lì ở nhà chơi game trong 6 tháng để tránh phải ra ngoài tiếp xúc xã hội. Mẹ khuyên tôi đổi nghề để có thu nhập bền vững. Nhưng làm gì để có thể trả hết được đống nợ khổng lồ kia?
Một người bình thường đi làm với mức lương 20-30 triệu đồng/tháng thì một năm nếu không tiêu gì có thể để dành được 200 triệu đồng, 10 năm được 2 tỷ, tích lũy được 20 tỷ có khi phải mất cả trăm năm. Số nợ của tôi ở thời điểm đó là một con số khổng lồ.
Sai thì đã sai, không có cách gì giải quyết được. Tôi đã xoay xở bán mọi thứ để giảm nợ, khoanh lãi với công ty chứng khoán để tránh việc đi vay lãi chồng lãi.
Điều gì khiến ông quay lại thị trường?
Một ngày tôi sang nhà bác tôi chúc Tết. Bác là một người rất có kinh nghiệm và uy tín trong kinh doanh, bác đã nói một câu mà tôi đã lấy đó làm kim chỉ nam trong suốt sự nghiệp sau này của mình: “Đừng bao giờ hỏi làm gì để kiếm tiền, cháu hãy làm những gì mà mình đam mê. Nên nhớ, khi mình làm điều mình đam mê và trở thành số 1 thì lúc đó tiền sẽ tự tìm đến mình”.
Nhờ lời khuyên của bác, tôi như bừng tỉnh và quyết định “ngã ở đâu đứng dậy ở đó”. Chứng khoán là niềm đam mê, là khát khao và tôi muốn chinh phục nó.
Tôi bắt đầu quay lại công việc vào cuối năm 2012 với vị trí thấp nhất ở một công ty chứng khoán với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Ngay tháng đầu tiên làm việc trở lại thì thị trường sụt giảm mạnh do sự kiện Bầu Kiên bị bắt. Thị trường lại trở nên khó khăn và tôi đã không vượt qua nổi 3 tháng thử việc.
Tiếp tục chuyển qua công ty chứng khoán VPS vào năm 2013 và nhờ một người anh cũng là khách hàng đầu tiên ủng hộ, tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Lương tháng và phí môi giới tích cóp lại cùng khoản vay 500 triệu đồng từ mẹ – người đã luôn tin tưởng tôi trong bất cứ hoàn cảnh nào – đã giúp tôi gây dựng được một số vốn để quay lại đầu tư. Tôi tiếp tục thành công trong những thương vụ đầu cơ và kiếm được những tỷ đồng đầu tiên.
Ông có thay đổi cách đầu tư sau những cú “sập gầm” không?
Ngày 8/5/2014 sự kiện giàn khoan 981 khiến thị trường sụt giảm mạnh nhất trong nhiều năm đã đưa tôi quay trở lại vạch xuất phát. Với quá nhiều ngụp lặn trong thị trường, tôi dần nhận ra nếu chỉ thuần túy đầu cơ theo sóng thì thực sự không ổn. Thị trường luôn có những sự kiện Thiên Nga Đen bất khả kháng và đầu cơ quá mức không đem lại lợi nhuận trong dài hạn.
Sự kiện Thiên Nga Đen kể trên đã thôi thúc tôi suy nghĩ lại quá trình đầu tư trên thị trường chứng khoán của mình. Chứng kiến nhiều nhà đầu tư kiên trì nắm giữ những cổ phiếu tốt đầu ngành thời đó như: VNM, FPT, HPG, VCB…. thì sau 10 năm tài sản tăng lên hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần nếu biết cách tận dụng những con sóng thị trường, trong khi trong gần 10 năm mình lại đi lùi chứ chưa nói tới chuyện dậm chân tại chỗ.
Rút ra những bài học của bản thân và quan sát những nhà đầu tư thành công, tôi bắt đầu vạch ra chiến lược đầu tư dài hạn cho mình, thực hiện mọi việc một cách chuyên nghiệp hơn, tạo dựng danh mục dài hạn và một phần nhỏ không quá 30% cho đầu cơ. Kiên trì nắm giữ danh mục dài hạn bất chấp mọi con sóng lên xuống của thị trường. Danh mục đầu cơ thì có thể đánh theo sóng ngắn và lấy lợi nhuận từ đây để gia tăng tỉ trọng danh mục đầu tư mỗi khi thị trường giảm mạnh. Tôi kiên định với những gì đã vạch ra cho mình và khách hàng.
Tôi giữ nguyên tôn chỉ: “Không đánh an toàn trong những cổ phiếu rủi ro mà sẵn sàng đánh lớn trong những cổ phiếu an toàn”, đặt an toàn và quản trị rủi ro lên hàng đầu.
Những bài học đau thương trong quá khứ đã khiến tôi hiểu ra rằng, nếu biết sử dụng margin một cách khéo léo và kiểm soát được rủi ro thì biên lợi nhuận cao hơn rất nhiều, nhưng nếu lạm dụng margin thái quá mà không có khả năng quản trị rủi ro sẽ dẫn đến đổ vỡ không kiểm soát được.
Kết quả đạt được sau khi thay đổi cách đầu tư là gì?
Kết quả, những gì tôi tạo dựng trong những năm gần đây cho mình và các khách hàng của mình là thành tích đầu tư vượt kỳ vọng, cao hơn so với thị trường chung rất nhiều.
Tôi thấy rằng nhiều nhà đầu tư mới (F0) và những nhà đầu tư có tần suất giao dịch cao mà không có khả năng phân tích thị trường và quản trị rủi ro danh mục thì về dài hạn là thua lỗ. Các nhà đầu tư này khi thấy giá cổ phiếu tăng 5-10% đã vội bán ra trong khi lỗ thì gồng đến khi lỗ nặng. Kết quả là dù họ có lãi 9 thương vụ nhưng chỉ cần 1 thương vụ lỗ lớn là có thể âm cả vào số vốn ban đầu. Đã là nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường thì ai cũng sẽ có lần bị sảy chân như vậy.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, khi đầu cơ bạn có thể thắng các trận đánh nhỏ nhưng nhiều khi lại bỏ lỡ cơ hội để thắng được cả cuộc chiến. Kinh nghiệm cho thấy, trên thế giới những nhà đầu tư dài hạn kỳ cựu thường nhiều hơn và có tài sản lớn hơn những nhà đầu cơ xuất sắc.
Chứng khoán là cuộc chơi dài hạn và chiến thắng đa phần dành cho những người biết quản trị rủi ro. Trong đầu tư chứng khoán người thành công không phải người kiếm được bao nhiều tiền khi thị trường lên mà là sau tất cả những con sóng lên xuống của thị trường thì người đó giữ được bao nhiêu tiền.
Quay lại chủ đề chính của ngày hôm nay, cổ phiếu nào mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho ông?
Một triệu đô đầu tiên tôi làm ra được là trong giai đoạn 2017 – 2018 khi cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng có chất lượng trên sàn OTC chuyển lên sàn niêm yết chính thức. Đến giờ mặc dù tài sản của tôi đã được nhân lên nhiều lần nhưng so với tổng tài sản nhiều ngàn tỉ mà tôi quản lý của khách hàng thì nó cũng chỉ là con số nhỏ. Tôi quan niệm trong ngành tài chính giàu tiền bạc không bằng giàu uy tín và tôi tự hào mình là một người rất giàu uy tín trong ngành.
Vì thế, nhìn lại chặng đường đã qua, điều mà tôi tự hào nhất không phải là việc mình kiếm được bao nhiêu tiền mà là ở việc gây dựng được uy tín cá nhân, ở sự tin tưởng của khách hàng và nhân viên.
Tôi không chọn đi nhanh mà đi theo con đường bền vững, cố gắng mang lại lợi nhuận nhiều nhất có thể cho khách hàng, trong khi đề cao nguyên tắc quản trị rủi ro.
Ông có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình không?
Trong nghề này, khi bạn làm tốt và được nhiều khách hàng tin tưởng, khách hàng sẽ tự tìm đến bạn, muốn được trở thành khách hàng của bạn chứ bạn không phải thuyết phục, lôi kéo họ theo mình. Một lời giới thiệu từ người có uy tín hơn ngàn vạn lần tự quảng cáo về bản thân. Hoa hậu Mai Phương Thúy là một ví dụ điển hình trong trường hợp này. Thúy đã tìm đến tôi qua giới thiệu của một người quen và giờ đây đã trở thành khách hàng và là bạn lâu năm.
Tôi quan niệm, cơ hội kiếm tiền trên thị trường chứng khoán rất nhiều, nhưng thành công sẽ chỉ đến với người làm tốt, có uy tín và có đạo đức nghề nghiệp.
Nếu có một lời khuyên cho các nhà đầu tư F0, ông sẽ nói gì?
Ngày nay đa phần các nhà đầu tư mới cũng đã tự trang bị cho mình kiến thức về thị trường chứng khoán. Họ đọc sách và học hỏi các phương pháp đầu tư. Nhưng tôi nhận thấy có nhiều người bị lẫn lộn giữa hai khái niệm: Đầu tư và đầu cơ.
Họ mang kiến thức đầu tư đi đầu cơ và mang cảm tính của hoạt động đầu cơ để mua bán cho danh mục đầu tư.
Theo quan điểm đầu tư của tôi, đầu tư là lựa chọn công ty tốt và nắm giữ cổ phiếu lâu dài theo sự phát triển của công ty.
Hoạt động đầu cơ là mua bán ngắn hạn theo biến động thị trường của một cổ phiếu và đôi khi hoạt động này thuần túy theo tâm lý đám đông, theo sóng của thị trường.
Những nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu theo tiêu chí đầu tư nhưng lại mua bán theo phương pháp đầu cơ sẽ rất dễ bán cổ phiếu tốt trong hoảng loạn và mua vào cổ phiếu kém chất lượng trong cơn hưng phấn.
Hiện trên thị trường có nhiều chuyên gia tư vấn giỏi dựa trên phân tích kỹ thuật, lựa chọn phương pháp đầu cơ theo sóng thị trường, thành tích của họ và khách hàng của họ cũng rất ấn tương. Vì thế, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nhà đầu tư cần phải xác định cho mình một phương pháp và tư duy đầu tư rõ ràng, không nên lẫn lộn giữa đầu tư giá trị và đầu cơ
Những nhà đầu tư đang thua lỗ trên thị trường nên nhìn nhận lại quá trình và phương pháp đầu tư của mình. Hãy lựa chọn cho mình một phương pháp phù hợp với tính cách và khả năng tài chính của mình. Kiên trì với phương pháp lựa chọn và thành công sẽ đến với các bạn.
Lịch sử đã chứng minh ở những thị trường phát triển, thị trường chứng khoán là nơi sản sinh ra nhiều tỉ phú nhất. Ở Mỹ, số lượng tỉ phú trong ngành đầu tư tài chính còn nhiều hơn cả tỉ phú công nghệ. Hiện tại, tôi thấy không có nghề nào có thể có thu nhập tốt cho các bạn trẻ như nghề chứng khoán. Có những bạn nhân viên của tôi sinh năm 97-98 có thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng là bình thường, thị trường càng phát triển thì thu nhập của họ càng tăng dần theo thời gian. Thị trường chứng khoán mang trong mình muôn vàn cám dỗ, có biết bao câu chuyện thần kỳ giàu lên nhanh chóng, nhưng cũng không thiếu những câu chuyện thương đau, đổ vỡ.
Qua câu chuyện của mình tôi muốn nhắn gửi đến các nhà đầu tư F0, những môi giới chứng khoán mới bước vào nghề, rằng hoạt động đầu tư luôn mang tính chu kỳ, lúc thắng lúc thua, nhưng trên thị trường chứng khoán không phải ai cũng kiếm được tiền. Đầu tư là việc làm dài hạn và người thành công là người biết kiên trì. Nếu không quản trị được rủi ro, đừng thấy thị trường ở trong giai đoạn dễ kiếm tiền mà lao theo không biết điểm dừng. Không có kiến thức vững vàng và kỹ năng giao dịch, quản trị rủi ro đủ tốt thì rồi cuối cùng cũng sẽ thua lỗ.
Nếu nhìn dài hạn, nền kinh tế Việt Nam đang trong gian đoạn “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Chúng ta đang có một môi trường chính trị ổn định, làn sóng dịch chuyển sản xuất tới Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài đang gia tăng do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Một khi tình hình dịch Covid-19 hiện nay được kiểm soát tốt, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng mạnh trong 10-15 năm tới. Tôi vẫn tin rằng 10-15 năm tới là cơ hội tuyệt vời cho đất nước và doanh nghiệp. Nững ai tận dụng được cơ hội sẽ gặt hái được những thành quả hết sức xứng đáng.
Nguồn: https://cafef.vn/do-anh-viet-tu-chay-tai-khoan-no-1-trieu-usd-o-tuoi-30-vi-con-say-chung-khoan-den-giam-doc-tu-van-dau-tu-hang-dau-vps-20211117103619991.chn