Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, có gần 800 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động xuất khẩu thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) hay còn được gọi là vua tôm Việt Nam là doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu lớn nhất với 395 triệu USD, chiếm gần 4,5%, đứng đầu về xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu tôm của cả nước. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 60%, tôm sú chiếm 40% doanh số của Minh Phú. Sản phẩm tôm Minh Phú có mặt trên 40 thị trường trên thế giới, với những thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Hà Lan…
Đứng thứ 3 là CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) có doanh số trên 276 triệu USD, chiếm 3,1%. Năm 2021 sản phẩm cá tra của Vĩnh Hoàn có mặt trên 36 thị trường trên thế giới và đạt tăng trưởng đột phá tại nhiều thị trường như Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha…
Năm 2021, Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 13.575 tỷ đồng và lãi ròng 659 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và 2% so với cùng kỳ. Công ty chỉ hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. MPC cho biết, trong năm 2021, chi phí tàu tăng cao và công ty không nhận cổ tức từ các công ty con là nguyên nhân chủ yếu kéo lùi lợi nhuận.
Trong khi đó, Vĩnh Hoàn lại có kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong năm qua, doanh thu thuần công ty đạt 9.054 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 29% và hơn 54% so với năm trước đó.
Trong nhiều năm qua, dù doanh thu của Vĩnh Hoàn luôn thấp hơn rất nhiều khi so với Minh Phú nhưng lợi nhuận sau thuế của vua cá tra vẫn luôn cao hơn vua tôm. Năm 2021, doanh thu Vĩnh Hoàn chỉ bằng 2/3 doanh thu của Minh Phú nhưng lợi nhuận mà Vĩnh Hoàn thu về lại cao hơn Minh Phú 69%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí bán hàng của Minh Phú quá cao tận 906 tỷ đồng, gấp 2,6 lần Vĩnh Hoàn.
Cả hai công ty Minh Phú và Vĩnh Hoàn đều chịu nhiều ảnh hưởng đến từ thị trường Mỹ, khi Mỹ là thị trường xuất khẩu chính chiếm phần lớn doanh thu của công ty.
Trong quý 4/2020, Minh Phú đã gặp nhiều rắc rối từ vụ kiện về áp thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ đến đầu năm 2021 mới kết thúc và Minh Phú được hoàn thuế 336 tỷ đồng vào tháng 7/2021.
Còn Vĩnh Hoàn được hưởng lợi từ việc vào tháng 6/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với cá tra, cá basa của Việt Nam và xác định mức thuế chống bán phá giá đối với Vĩnh Hoàn là 0 USD/kg giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tại thị trường này.
Nguồn: https://cafef.vn/vua-tom-minh-phu-vs-vua-ca-vinh-hoan-ai-dang-vuot-troi-20220227005911709.chn