Quảng cáo #36

PGS.TS Đàm Khải Hoàn: Suốt đời vì Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc thiểu số ở Miền núi

Câu dân gian truyền miệng “Oai oái như phủ Khoái xin tương” đủ để nói về một huyện Khoái Châu nghèo khổ, đói rách nhưng lại giàu truyền thống hiếu học một thời. Nhưng, chính cái nghèo, cái khó ấy lại thôi thúc cho con người nơi đây một sức sống mãnh liệt, một nghị lực sống hơn người. PGS.TS Đàm Khải Hoàn đã được sống trong một môi trường, và có một tuổi thơ như thế. Hơn nữa, ảnh hưởng từ người cha người mẹ đáng kính, cha ông - cán bộ cách mạng, sau kháng chiến chống Pháp, trở về làm cán bộ lãnh đạo ngành y tế ở tỉnh, mẹ ông là một phụ nữ vùng quê lam lũ tần tảo suốt đời hy sinh cho chồng con. Ngay từ bé, ông đã tự nhủ bản thân phải cố gắng học tập để không phụ công dưỡng dục của mẹ cha, không phụ sự kỳ vọng của quê nhà, người sẽ mang lại vẻ vang cho dòng tộc, quê hương. Hiện nay, ông là một chuyên gia hàng đầu về Y tế công cộng ở miền núi phía Bắc.

Tuổi thơ gian khó

PGS.TS Đàm Khải Hoàn sinh ngày 13 tháng 9 năm 1955 tại thị trấn Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên nhưng quê hương ông là làng Sài Thị xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu. Tuổi thơ của ông đi qua không được may mắn như những người khác, mà ngay từ nhỏ ông đã sớm chịu nhiều vất vả. Năm 1960, gia đình ông rời quê hương theo cha lên Thái Nguyên để phát triển văn hóa miền núi theo tiếng gọi của Đảng. Năm 1965 (lúc đó ông 10 tuổi) chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan đến Thái Nguyên. Gia đình phải ly tán, cha ông cùng bệnh viện đi sơ tán, mẹ ông đưa các con nhỏ vào làng sống cùng ông bà nội. Riêng ông thì may mắn hơn khi được gia đình gửi lên Trùng Khánh (Cao Bằng) theo chú ruột là giáo viên đang dạy học, để tiếp tục được học tập. Nhưng một năm sau, không may mẹ ông ốm nặng và qua đời. Không kìm nén được nỗi đau mất mẹ, ông trở về Thái Nguyên chịu tang. Khi đó ông mới 12 tuổi, bắt đầu cuộc sống tự lập, trọng trách đặt trên vai của một đứa trẻ với trách nhiệm của người anh cả thay mẹ chăm sóc 4 em nhỏ trong gia đình, bởi người cha quá bận rộn với công việc ở bệnh viện.

Với truyền thống hiếu học của quê hương và lòng nhẫn nại vượt khó, sự động viên của người cha và ý nguyện của người mẹ trước lúc đi xa, ông và các em đều học thành đạt và ông đã thi đỗ vào phân hiệu đại học y khoa miền núi (nay là Trường Đại học Y- Dược Thái Nguyên) năm 1972. Sau gần 4 năm lên đường nhập ngũ và tham gia các trận đánh giải phóng miền nam mùa xuân 1975 trên cương vị lái xe cho đoàn chi huy Bộ tự lệnh tăng thiết giáp, kết thức trưa 30,4,75 tại dinh Độc Lập. Cuối 1975 ông lại trở về Trường đại học Y khoa Bắc Thái theo chính sách cho những quân nhân đã có giấy gọi đại học từ trước. Trong những năm là sinh viên ông rất miệt mài, chịu khó học tập và tích tũy được nhiều kiến thức. Cũng nhờ vào sự cố gắng, sau 6 năm, năm 1981, ông tốt nghiệp và được giữ lại trường tham gia công tác giảng dạy kể từ đó.

Nghiên cứu khoa học, y học phải xuất phát từ thực tế

Nói về con đường đưa ông đến với lĩnh vực khoa học, ông chia sẻ từ ngày còn là sinh viên ông đã được tiếp cận và tham gia nghiên cứu khoa học cùng GS. Hoàng Đức Chấn tại các vùng người dân tộc thiểu số, qua đó mà GS Hoàng Đức Chấn truyền cho ông niềm say mê khoa học, tính nghiêm túc, trung thực và các phương pháp nghiên cứu thực tế ở cộng đồng. Sau này khi đã trở là giảng viên của bộ môn Y học cộng đồng thuộc Khoa Y tế công cộng, ông lại có dịp được đi nhiều nơi để nghiên cứu khoa học để áp dụng vào giảng dạy. Không ngại khó, ngại khổ ông đã đến tận các thôn bản vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đến tận nhà người Mông, người Dao đang sinh sống. Đến đó, ông nhận thấy đời sống của người dân tộc thiểu số nhiều nơi còn rất khó khăn, trong khi việc chăm sóc sức khoẻ còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Môi trường sống của người dân bị ô nhiễm bởi chuồng gia súc gần nhà, tỉ lệ bệnh tật còn cao, nhất là các bệnh nhiễm trùng. Nhiều xã ở miền núi, trạm y tế còn thiếu thốn, ở rất xa, đi lại rất khó khăn có khi cả ngày đường chưa tới được để khám bệnh. Các trạm y tế còn thiếu cả về nhân lực và trình độ chuyên môn…Tất cả điều đó đã giúp ông tích lũy được nhiều kiến thức về thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Từ năm 1992 đến 1998, dưới sự hướng dẫn của GS. Hoàng Đình Cầu (Chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về chăm sóc sức khỏe ban đầu) và GS.TSKH Nguyễn Mạnh Liên (Chuyên gia hàng đầu về môi trường) ông đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Y học với đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân một số vùng núi phía Bắc” và là một trong nhóm nghiên cứu sinh học trong nước bậc học Tiến sĩ Y học đầu tiên ở Việt Nam. Ông vô cùng biết ơn hai người thầy với những kiến thức uyên bác chuyên sâu và kho tàng thực tiễn trong lĩnh vực Y tế công cộng, đã tận tình nhiệt tình hướng dẫn ông hoàn thành luận án của mình. Dưới sự dẫn dắt của GS Hoàng Đình Cầu, ông đã tập trung nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe ban đầu, về huy động sự tham gia cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe, về các vấn đề sức khỏe ưu tiên ở miền núi mà người dân tộc thiểu số đang phải đối mặt… Cho đến nay, ông đã chủ trì khoảng 50 công trình khoa học các cấp và hơn 100 bài báo khoa học về y tế công cộng đăng trên các tạp chí trong nước và tham gia các Hội nghị quốc tế. Trong đó phải kể đến những đề tài tiêu biểu như: Đề tài Thực trạng hoạt động của các trạm y tế cơ sở ở miền núi phía Bắc (1999 -2001); Đề tài Thực trạng hoạt động của các Trung tâm y tế huyện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và đề xuất các biện pháp giải quyết (2003 - 2005)… Năm 2010, tổng kết các công trình nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe ban đầu và huy động cộng đồng ông viết và xuất bản cuốn sách: “Huy động cộng đồng Truyền thông ở miền núi”. Bên cạnh đó ông còn nghiên cứu về phong tục tập quán ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng dân tộc thiểu số, ông có khoảng 10 đề tài. Đó là các đề tài nghiên cứu về người Tày (Lạng Sơn), người Thái (Sơn La, Nghệ An), người Mông (Hà Giang, Nghệ An, Thái Nguyên), người Mường (Hoà Bình), người Dao (Bắc Kạn, Thái Nguyên). Trong đó, đề tài tìm hiểu phong tục tập quán người Dao ở các bản vùng sâu tỉnh Bắc Kạn do ông chủ trì và hướng dẫn cho sinh viên, đã được giải thưởng ở Hội nghị khoa học Y Dược tuổi trẻ toàn quốc tại Cần Thơ (2002).

Ngoài ra, ông còn tham gia một số các đề tài cấp bộ, dự án cấp Nhà nước của Nhà trường như tham gia cùng với PGS.TS. Nguyễn Thành Trung Phó hiệu trưởng trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên trong Nghiên cứu xây dựng mô hình y tế thôn bản phù hợp ở vùng cao Thái Nguyên và Dự án Nghiên cứu thử nghiệm mô hình Nhà y tế bản ở vùng cao vùng sâu vùng xa xôi hẻo lánh miền núi Việt Nam… được đánh giá rất cao. Các đề tài nghiên cứu khoa học của ông không những có ý nghĩa khoa học trong việc giúp cho các nhà quản lý y tế các cấp xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn giúp cho đào tạo đại học và sau đại học của trường đại học Y Dược Thái Nguyên.

Mang trên mình sứ mệnh của một nhà giáo, ông là một trong năm người xây dựng và phát triển bộ môn Y xã hội học (1981- 1997) và bộ môn Y học cộng đồng từ năm 1998 và khoa Y tế công cộng (từ năm 2008). Tham gia đào tạo đại học và sau đại học (CKI Y tế công cộng, CKII Y tế công cộng, Cao học y học dự phòng), tham gia hướng dẫn nhiều sinh viên bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, Luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ về  chuyên ngành Y tế công cộng. Các học viên của ông đến từ Thái Nguyên, hay từ các miền xa xôi biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang nơi địa đầu tổ quốc… Ông đã góp phần đào tạo cho quê hương một Tiến sỹ Y khoa: TS Nguyễn Kim Kế nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên. Ông  được vinh danh trong hai cuốn sách: Danh sách các TS Việt Nam thời hiện đại và Các TS người Hưng Yên.  Hiện nay, các thế hệ học trò của trường trong đó có học viên do ông hướng dẫn đều đã thành đạt trở thành nhà lãnh đạo y tế xuất sắc và có nhiều đóng góp cho sự phát triển y tế ở miền núi phía Bắc.

Trên những chặng đường đi của cuộc đời luôn để lại trong ông những kỷ niệm khó quên. Nhớ lại những năm tháng thăng trầm của cuộc đời đã qua PGS.TS Đàm Khải Hoàn cho biết, kỷ niệm khó quên nhất của ông đó là những năm tháng làm nghiên cứu sinh ở Hà Nội. Những năm tháng khó khăn nhưng cũng thấm đẫm tình cảm thầy trò và tình đồng nghiệp. Những năm đó cả nhà ông xuống Hà Nội để học tập. Đó là vào những năm đầu của thập kỷ 90 và cũng là những năm tháng quyết định bước ngoặt và cũng là bước đột phá của cuộc đời ông. Bắt đầu sự nghiệp với đồng lương ít ỏi, đời sống vật chất khó khăn, lúc đó ông chưa dám nghĩ đến việc đi học nghiên cứu sinh, làm nghiên cứu sinh quả là một sự thách thức lớn đối với ông. Nhưng GS.TS. Lê Ngọc Trọng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học y khoa Thái Nguyên đã động viên và tạo mọi điều kiện để nhóm cán bộ nòng cốt của nhà trường trong đó có ông thi nghiên cứu sinh trong nước và được học tập, nghiên cứu tại Học viên Quân Y. Và chính nhóm cán bộ này sau này trở thành đội ngũ lãnh đạo nòng cốt của nhà trường, những nhà quản lý, chuyên gia y tế hàng đầu ở miền núi phía Bắc.

Đề tài ông chọn thuộc về cộng đồng, phải đi nhiều phải trèo đèo, lội suối đến tận các làng bản ở miền núi phía bắc. Lúc bấy giờ phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp, sau này là chiếc xe máy cũ, ông đã trải qua những ngày hè oi bức, những ngày mùa đông Việt Bắc sương muối lạnh buốt thấu xương, những đêm ngủ ở bản người Mông cheo leo trên sườn núi trong “Khách sạn nghìn sao”…Thực sự có những lúc đã làm ông nản lòng. Nhưng cùng với tình cảm nồng thắm của người dân dân tộc thiểu số, những già làng trưởng bản dành cho ông và sự động viên to lớn của gia đình ông (có người vợ - ThS. Dương Minh Thu là một chuyên gia về Thần kinh hết lòng vì chồng con và hai người con (Đàm Thu Trang, Đàm Quang Trung) hiếu thảo nay đã trưởng thành và thành đạt). Tất cả đã giúp ông có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn tưởng như không vượt qua được… Ông nhận ra rằng chí hướng là việc trọng đại trong cuộc đời, mỗi khi muốn vượt qua khó khăn để đi đến đích của cuộc đời phải có nghị lực, lòng nhiệt tình, trí tiến thủ và nỗ lực làm việc không ngừng, thì mới có thể đạt được hoài bão ước mơ của chính mình.

Trải qua hơn 40 năm miệt mài giảng dạy và nghiên cứu, ông đã dành nhiều thời gian cho cộng đồng với phương châm nghiên cứu khoa học y học là phải xuất phát từ thực tế, đó là các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; là tình trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu các dân tộc thiểu số ở miền núi phía bắc, là cách thức cung cấp các dịch vụ y tế cũng như tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, là vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu, là đào tạo nguồn nhân lực y tế cho miền núi phía bắc… Câu hỏi luôn đặt ra cho ông là làm thế nào để cho có hiệu quả? Không bao giờ nghiên cứu chỉ là để nghiên cứu mà nghiên cứu phải vì cộng đồng, phải trung thực, tỉ mỉ, phải thận trọng với kết quả thu được của mình. Nói về quá trình nghiên cứu cộng đồng ông chia sẻ: “Không phải bao giờ cũng thuận lợi, mà bạn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả, để thành công thì ngoài kiến thức cơ bản tốt, thì cần phải có lòng say mê tìm tòi và ham học hỏi khám phá thực tế. Hơn nữa, trong nghiên cứu cộng đồng ở Việt Nam không có chỗ (dành) cho những ai chỉ ngồi trong phòng điều hòa để nghiên cứu mà phải là những người thực sự bám sát thực tế, cùng sống và làm việc với cộng đồng và nhiều lúc phải ngủ ở “khách sạn nghìn sao”. Không có cái gì hoàn hảo và thành công ngay, bạn phải mạnh dạn, phải dám đương đầu với thất bại để nỗ lực vươn lên thì mới có được thành công trên con đường của mình.

Với những đề tài nghiên cứu khoa học và những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, ông đã khẳng định được bản thân mình, ông vinh dự được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư Y học chuyên ngành Y tế công cộng (2004), được Đảng và nhà tặng thưởng nhiều huy chương, bằng khen các cấp. Hiện nay tuy đã lớn tuổi, được nhà nước cho nghỉ chế độ và sức không còn khỏe như trước nhưng ông vẫn nhiệt trình tham gia giảng dạy cho trường đại học y dược Thái Nguyên nhất là các lớp sau đại học về y tế công cộng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

* Bài viết của trung tâm di sản các nhà khoa học Quốc gia 2020 về PGS.TS Đàm Khải Hoàn GVCC trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.