Thầy Tống Phước An sinh năm 1980 là anh hai trong một gia đình có 5 anh em, được thừa hưởng cái nôi truyền thống trong gia đình từ người cha là thầy giáo Tống Phước Đi (nguyên Hiệu phó của Trường tiểu học An Lạc). Xuất thân trong gia đình nghèo khó, không những tuổi thơ vất vả,những năm tháng học phổ thông đối với thầy Tống Phước An cũng là ký ức gian khổ khó quên.
Trong thời gian còn là sinh viên, rất nhiều lần thầy có ý định bỏ học để bớt một phần gánh nặng cho cha mẹ và tạo điều kiện cho các em có thêm cơ hội học tập tốt hơn. “Tôi từng đấu tranh tư tưởng rằng nếu mình bỏ học về đi làm rẫy thì cuộc sống gia đình và bản thân liệu có đổi thay được hơn hay không? Nhiều đêm trằn trọc, tôi đã quyết chí tìm việc làm bán thời gian để tự tạo cho mình có cơ hội tiếp tục con đường học vấn”, thầy giáo An hồi tưởng. Thầy An kể, từng chứng kiến cảnh nhiều em nhỏ ở quê hương mình đến tuổi đi học nhưng phần vì nghèo khó, phần vì nhận thức của cha mẹ hạn chế nên các em không được đến trường khiến bản thân ao ước sẽ trở thành thầy cô giáo dạy trẻ ở vùng biên giới. Với ước mơ đó, thầy giáo An đã biến ước mơ thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Sư Phạm Đồng Tháp (nay là trường Đại Học Đồng Tháp). Thầy giáo trẻ về dạy tại Trường THCS Tân Hội – Huyện Hồng Ngự (nay thuộc thành phố Hồng Ngự - Đồng Tháp).
Dạy học ở xã vùng biên giới, cuộc sống người dân nơi đây còn nghèo khó, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con em tới trường học tập. Rất nhiều gia đình không cho con đi học hoặc bắt con bỏ học giữa chừng. Không từ bỏ khó khăn, chẳng quản nhọc nhằn, thầy cùng nhà trường liên tục tới nhà các hộ dân để vận động cho con em tới trường, giải thích cho bà con nghe tầm quan trọng của việc cần phải cho con em đi học.
Chia sẻ thêm về nghề, thầy Tống Phước An cho biết, ngoài những khó khăn trên, trẻ em những gia đình khó khăn thường thì có điểm chung rất nhút nhát, khả năng sinh hoạt trong trường còn hạn chế. Bởi vậy mỗi giờ lên lớp truyền thụ kiến thức, thầy luôn dành thời giờ những lúc rảnh rỗi để hỗ trợ giúp đỡ cho các em bồi dưỡng thêm phần năng khiếu âm nhạc, mà nhạc cụ đó thay tự mua sắm, có khi phải mượn thêm từ những đồng nghiệp để các em được tiếp cận dễ dàng và phát huy năng khiếu một cách tốt nhất.
Khó khăn là vậy, nhưng thầy An cho biết, thầy chưa bao giờ nản lòng hay nghĩ tới chuyện chuyển nghề. Trong quá trình công tác, thầy luôn cố gắng học hỏi, nghiên cứu tài liệu để nâng cao trình độ chuyên môn. Song bên cạnh đó thầy phát huy thêm lĩnh vực công nghệ mà thầy đam mê ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà nhà trường. Cũng vì thế mà tiêu biểu có một số em học sinh được thầy An rèn luyện đã đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi tin học cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp khu vực như: Đồ dùng dạy học, khoa học kỹ thuật, giáo viên dạy giỏi, Mười năm công tác bồi dưỡng giáo dục "Đạo đức và kỹ năng sống". Cấp khu vực: Cuộc thi vô địch tin học thế giới (Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Cấp trung ương: Đạt danh hiệu "Dũng sĩ nghìn việc tốt".
Thầy Tống Phước An là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê và trách nhiệm đối với nghề giáo. Dù xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, thầy không chỉ vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống mà còn cống hiến hết mình để mang lại cơ hội học tập cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em vùng biên giới. Với tình yêu nghề và sự tận tâm, thầy đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục. Thầy An không chỉ là người thầy mà còn là người truyền cảm hứng, động viên học sinh vượt qua khó khăn và vươn tới những ước mơ lớn hơn trong tương lai.
T. Hà